Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, ông Bòng tâm sự, khi rời quân ngũ trở về (1987), cuộc sống gia đình rất khó khăn. Nhiều năm làm đủ các nghề như buôn bán, thầu xây dựng, ông Bòng cũng có nguồn vốn lận lưng, nhưng sau 1 tai nạn lao động nặng phải nằm điều trị dài ngày và chờ đợi phục hồi, bao nhiêu của cải vợ chồng ông để dành đội nón ra đi, khó khăn chồng chất khó khăn.
Năm 2001, khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông Bòng đã bàn với vợ khai phá vùng đất cằn cỗi tại địa phương hơn 2,4 ha để trồng cây keo lai, bạch đàn, đồng thời trồng thêm 7 sào tiêu để “lấy ngắn nuôi dài”.
Năm 2019, được vay 90 triệu đồng vốn chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tây Sơn; ông đầu tư trồng 3 sào măng tây trên đất vườn nhà, cùng với đó, cải tạo lại diện tích đất rừng, trồng 230 cây chanh, 100 cây quýt đường, 50 cây mít thái, 50 cây bưởi da xanh…5 năm qua, vườn cây ăn trái của ông đã cho thu thập khá.
Không chỉ có đất vườn nhà, ông và vợ xin thuê đất để làm 6 sào lúa, 10 sào đậu phộng, chăn nuôi thêm 2 con bò cái giống, gà vịt. Cùng với đó, ông mở dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân địa phương. Việc sản xuất kinh doanh mang lại cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng/ năm, tạo việc làm thời vụ cho 5-6 lao động tại địa phương.
Hiện tại, ông Bòng đang trồng thử nghiệm 5 sào củ mài khoảng 5 tháng tuổi. Củ mài (hay còn gọi là khoai mài) là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đồng thời là một vị thuốc được sử dụng khá phổ biến trong y học cổ truyền với tên gọi là Hoài Sơn. Theo ông Bòng, từ mối quan hệ buôn bán, ông biết được một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu về thu mua củ mài để làm dược liệu nên ông mạnh dạn sản xuất thử nghiệm. Hiện ông đang liên hệ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để được kiểm tra, công nhận về sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn theo VietGAP, từ đó có thể bán sản phẩm trực tiếp vào các công ty dược. Củ mài có thời gian sinh trưởng từ 11-12 tháng; kỹ thuật trồng khoai mài khá đơn giản, chăm sóc dễ dàng, vốn đầu tư thấp, nhưng lại cho thu nhập cao, khoảng 30-40 triệu đồng/ sào. Dự kiến nếu việc sản xuất, đầu ra từ cây củ mài có hiệu quả, ông sẽ cung cấp giống, hướng dẫn bà con nhân rộng diện tích, thoát nghèo. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Bòng còn là một công dân gương mẫu, luôn tham gia tốt các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức, được nhiều người quý mến.