Chị Đinh Thị Dép, ở thôn 2, xã An Toàn phấn khởi: Vùng đất từng bị bỏ hoang, nay đưa cây dứa lên xanh tốt, chúng tôi vui lắm. Cả thôn có hơn 15 hộ tham gia mô hình trồng dứa của xã từ năm 2022, đến giữa năm 2024 dứa cho thu hoạch. Tham gia mô hình, các hộ đều được hỗ trợ kinh phí giống, phân bón, còn lại gia đình đối ứng. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, nên cây trồng phát triển tương đối ổn định. Gia đình tôi trồng hơn 5 sào dứa, thu hoạch và bán 10 nghìn đồng/quả, thu về gần 20 triệu đồng. Vừa rồi, gia đình trồng thêm lứa mới, cây giống tự nhân lên từ vườn dứa của nhà, chỉ cần mua phân bón.
Thấy cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại cơ hội thoát nghèo, nhiều hộ dân nhân rộng thêm diện tích. Tính đến nay, toàn huyện có hơn 30ha dứa. Để hỗ trợ bà con trồng dứa, Hội Nông dân các xã đã thành lập các nhóm tổ hội trồng dứa với hơn 50 thành viên để liên kết, hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: An Lão còn rất nhiều diện tích đất triền đồi, núi phù hợp để trồng dứa. Hội cùng với địa phương vẫn chưa dám vận động bà con trồng đại trà mà chỉ khuyến khích chuyển đổi trồng dứa ở một số diện tích cây trồng kém năng suất ở những vùng đất xấu, thiếu nước tưới hoặc những vùng đất còn bỏ hoang. Bên cạnh đó, Hội sẽ phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ bà con trồng dứa về kỹ thuật, vốn, kết nối tiêu thụ sản phẩm./.