Với hơn 1ha đất vườn, ông Lê Văn Khoa, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dừa xiêm. Ông Khoa cho biết: Trước đây, trên diện tích 1ha đất vườn của gia đình chuyên trồng cây chè tươi. Sau nhiều năm cây chè già cỗi cộng với ảnh hưởng hạn, làm cây chè chết dần dẫn đến hiệu quả thu nhập kinh tế thấp. Vào đầu năm 2016, nhận thấy mô hình trồng dừa xiêm phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng dừa xiêm với gần 400 gốc.
Cũng theo ông Khoa, vào mùa nắng nhu cầu sử dụng dừa tươi phục vụ giải khát tăng nên thương lái đến tận vườn thu mua tầm khoảng 12.000 đồng/trái, vào mùa mưa thì dừa rớt giá còn khoảng 8.000 đồng/trái, bình quân mỗi đợt sau khi trừ chi phí bón phân, chăm sóc ông có thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.
Lựa chọn nông nghiệp sạch là hướng đi khởi nghiệp, anh Nguyễn Bảo Toàn, ở thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa đã thuê lại 1ha đất của bà con nông dân để trồng các loại rau rừng và ổi hữu cơ theo công nghệ hiện đại.
Theo anh Nguyễn Bảo Toàn, sản phẩm nông nghiệp anh làm ra được tiêu thụ ở các nhà hàng trong và ngoài huyện. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh thu về hơn 10 triệu đồng. Anh rất mong có thể mở rộng hơn nữa diện tích trồng sản phẩm sạch và an toàn, hướng đến liên kết chuỗi giá trị để giúp bà con nông dân quen với sản xuất an toàn.
Mô hình của ông Khoa, anh Toàn là hai trong rất nhiều mô hình dân vận khéo tiêu biểu về tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện được xây dựng trong thời gian qua. Từ các mô hình điển hình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhờ vậy đến nay toàn huyện đã có hơn 2.500 ha đất nông nghiệp được tích tụ, tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản, hiệu quả kinh tế vì vậy ngày càng được nâng cao.
Được biết, hiện nay, toàn huyện có nhiều mô hình dân vận khéo đang triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả. Các mô hình phát triển kinh tế chiếm số lượng khá lớn, trong đó chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các trang trại, gia trại chăn nuôi, trồng trọt như: Mô hình trồng cây dược liệu thìa canh tại An Dũng; Nuôi heo đen, trồng cây dó bầu tại An Trung; Trồng quế, dứa ở An Toàn; Chăn nuôi trâu sinh sản, trồng chuối xứ ở An Nghĩa; Nuôi bò cái lai, trồng dâu nuôi tằm ở An Hòa; Nuôi gà thả đồi, nuôi dê ở An Quang; Trồng bưởi danh xanh ở An Tân;…
Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để đạt được những kết quả trên, thời gian qua, huyện An Lão luôn xác định công tác dân vận và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Thông qua các mô hình, người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế gia đình theo hướng hàng hóa, cho thu nhập cao. Điều này đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của huyện phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,35% năm, hiện còn 21,9% hộ nghèo.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua nhân rộng, đổi mới thực hiện các mô hình dân vận khéo về lĩnh vực kinh tế gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.