Theo nhiều nông dân trồng mè, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân (khoảng tháng 2 - 3 dương lịch), bà con sẽ tiến hành gieo trồng mè. Đồng ruộng sau vụ mè, khi sạ lại lúa sẽ ít sâu bệnh hơn so với sản xuất liên tục 3 vụ lúa.
|
Nhờ chuyển đổi đất lúa sang trồng mè trong vụ Hè Thu, nông dân An Lão có thêm thu nhập ổn định |
Chị Võ Thị Lan, ở xã An Tân cho biết: Nhiều năm nay gia đình tôi không làm lúa vụ Hè Thu nữa mà chuyển sang trồng thêm rau màu và đặc biệt là mè. Khoảng 3 năm trở lại đây, tôi chuyển toàn bộ 4 sào ruộng sang trồng mè trong vụ Hè Thu. Trồng mè có lãi khá, khoảng 4 triệu đồng/sào, gấp 1,5 lần so với trồng lúa.
Sau nhiều năm canh tác mè, chị Lan cho biết thêm, mè là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít chịu sự ảnh hưởng từ sâu bọ, dịch bệnh nên chi phí thuốc bảo vệ thực vật thấp. Đây còn là cây trồng có khả năng chịu hạn cao, có thể trồng trên đất cát pha khô cằn và đất ruộng thiếu nước, chỉ cần tưới đủ nước là cây phát triển và cho năng suất cao. Tuy nhiên, cây mè sẽ dễ bị chết úng nếu không xử lý thoát nước kịp thời. Do đó, đòi hỏi nông dân phải làm đất thật kỹ và bảo đảm thoát nước khi tưới hoặc khi có mưa nhiều.
Cây mè có thời gian sinh trưởng từ 70-80 ngày, không nên để cây chín quá, trái sẽ nổ, hạt rơi làm thất thoát. Mè thu hoạch lúc trời nắng ráo, phơi khô rồi dùng máy nhai lúa để ra hạt. Cũng như nhiều địa phương khác, nông dân xã An Hòa cũng chọn cây mè để canh tác trong vụ Hè Thu. Ông Nguyễn Văn Thiệu, thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa cho biết: Vụ này, gia đình tôi tiếp tục trồng 7 sào mè trên đất lúa. Năm ngoái cũng với diện tích này, thu hoạch đạt năng suất hơn 120 kg/sào và được thương lái thu mua với giá 60 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình thu lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/sào.
“Giá mè trên thị trường khá ổn định, thương lái đến tận nhà để thu mua nên rất thuận lợi cho nông dân. Không phải năm nào cũng “trúng mùa, trúng giá” nhưng trồng mè luôn đảm bảo lợi nhuận cho nông dân” - ông Thiệu chia sẻ thêm.
Việc chuyển từ trồng lúa sang trồng mè đang được nhiều địa phương áp dụng để ứng phó với tình hình khô hạn. Đây là một trong các giải pháp vừa giúp nông dân áp dụng để tăng thu nhập, vừa hạn chế sâu bệnh trên lúa. Ngoài ra, trồng mè còn góp phần tạo việc làm cho lao động thời vụ tại các địa phương, với mức thu nhập từ 150- 200 nghìn đồng/người/ngày.
Theo ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện, cây mè đang trở thành một loại cây trồng thay thế lúa đạt hiệu quả khá trong vụ Hè Thu. Tới đây, Hội và các ngành liên quan sẽ có định hướng hỗ trợ bà con theo hướng sản xuất gắn với thị trường, đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bảo quản để bà con yên tâm đầu tư sản xuất.