Trở lại xã An Tân cảm nhận rõ sự đổi thay của vùng đất này, màu xanh của những cánh rừng, những vườn cây ăn quả, những cánh đồng rau hiện hữu khắp nơi. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở An Tân tương đối bằng phẳng, giàu dinh dưỡng, khí hậu mát mẻ, thích hợp cho phát triển nhiều loại cây.
|
Ông Nguyễn Văn Khoa, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân chăm sóc ruộng rau xanh trên diện tích đất lúa chuyển đổi |
Những năm gần đây, cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã có những thay đổi đáng kể. Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Hàng năm, Hội Nông dân xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng mô hình mới, chủ động đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với những cách làm hiệu quả, An Tân đã có những bước tiến quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống người dân.
Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 50ha cây ăn quả và các loại rau màu như bưởi da xanh, ổi, dừa xiêm, dưa hấu, thanh long, bầu, bí,... Thăm vườn rau xanh trồng trên đất lúa chuyển đổi của ông Nguyễn Văn Khoa, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân, ông Khoa cho biết: Với lợi ích kinh tế của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi nghĩ mình mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thời gian trước là đúng. Rau xanh là loại cây dễ chăm sóc, cho năng suất, giá trị cao. Với 4 sào rau xanh trồng trên đất lúa thiếu nước đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Song song đó, chăn nuôi cũng được đa dạng hóa, đơn cử như mô hình nuôi ốc bưu đen trong ao ruộng ở thôn Tân Lập, cho thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Hay mô hình nuôi chim yến trên đất gò đồi ở thôn Tân An, thu nhập cao với hơn 200 triệu đồng/năm,...
Được biết, để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, Hội Nông dân xã đã cùng với chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; vận động người dân liên kết thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác để tăng hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã An Tân. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, giúp nông dân cải thiện thu nhập, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất kết hợp với tập huấn, chuyển giao; chú trọng đẩy mạnh liên kết, tìm kiếm mở rộng thị trường cho nông sản; triển khai các chính sách hỗ trợ giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.