Theo anh Ca, nông nghiệp xanh là cách sản xuất sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, sử dụng phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất và thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển nông nghiệp bền vững.
Mơ ước sản xuất hướng tới nông nghiệp xanh của anh Ca đã ấp ủ từ lâu và đã được anh triển khai thực hiện có hiệu quả, thông qua mô hình trang trại từ năm 2021 đến nay. Với diện tích hơn 4 ha đất thuê, trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mỗi năm anh Ca thu lãi ròng bình quân hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động.
“ Trùn quế là vật nuôi đem lại nhiều lợi ích trong sản xuất nông nghiệp xanh, trong đó có việc xử lý chất thải của gia súc, gia cầm mà tôi thả nuôi trong trang trại thành phân bón hữu cơ. Vì thế, tôi tập trung đầu tư và tăng dần diện tích nuôi trùn quế, từ 500 m2 ban đầu lên 2.500 m2. Theo đó, tôi khai thác thịt trùn quế sấy khô, phối trộn làm thức ăn cho bò, heo, gà, dê. Còn phân trùn quế dùng bón cho cây trồng, vườn rau, củ quả. Theo quy trình khép kín này, phế phẩm, phụ phẩm của công đoạn này là nguyên liệu “ đầu vào ” của công đoạn khác, tạo ra những chuỗi giá trị tuần hoàn. Sản xuất nông nghiệp xanh, ngoài việc bảo vệ môi trường, nông sản thu hoạch từ trang trại của tôi còn cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ví dụ như, gà mái được nuôi đến khi đẻ lứa trứng đầu tiên thì khai thác trứng và đưa vào chế biến các món ăn từ thịt gà tại các nhà hàng ” - anh Ca chia sẻ.
Trang trại của anh Ca hiện đang nuôi 12.000 con gà, 3000 con vịt, 55 con bò, 150 heo trắng, 120 heo đen, 95 con dê và nhiều loại cá đồng. Ngoài ra, anh Ca còn tổ chức canh tác vườn rau, của quả, cây ăn trái trên diện tích 4 sào đất ở trang trại. “Toàn bộ diện tích đất vườn trồng rau, củ quả, cây ăn trái này là đất pha cát, cằn cổi, do đó cây phát triển kém, nên tôi cho cải tạo lại đất trồng, giúp đất tơi xốp, tốt hơn. Cùng với cày xới đất, bón vôi bột, chế phẩm Tricoderma, tôi bón phân trùn quế là chủ lực. Khi có đất tốt, đưa cây giống vào trồng, vườn rau, củ quả, cây ăn trái phát triển xanh tốt. Vụ Thu năm 2024, tôi trồng 1 sào dưa lưới, chuẩn bị thu hoạch, trái dưa đạt chuẩn sản phẩm hữu cơ” - Anh Ca cho biết thêm.
Cùng với việc phát triển trang trại với quy trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi đến bàn ăn, anh Ca còn kết hợp mở dịch vụ trải nghiệm du lịch canh nông tại trang trại của mình, dịch vụ này đi vào hoạt động hơn 1 năm và đã thu hút nhiều đoàn học sinh, nhà trường đến tham quan.
Từ làm kinh tế trang trại, thời gian qua, anh Võ Vinh Ca nhiều năm liền được Hội Nông dân các cấp công nhận danh hiệu là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Ngoài việc tập trung phát triển sản xuất, thu nhập khá, tạo viêc làm cho lao động ở địa phương, anh Ca còn tích cực giao lưu với các nhà vườn, bà con nông dân, các huyện bạn trong tỉnh, đặc biệt là các đoàn của cơ quan, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Không những thế, anh Ca còn tự bỏ vốn ra để làm đường giao thông xung quanh trang trại, hỗ trợ bà con trong thôn, xóm địa phương đi lại thuận lợi hơn, tích cực đóng góp, ủng hộ các khoản quỹ, chương trình từ thiện do địa phương phát động.
Ông Trần Văn Khổ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Canh, nhận xét: “Sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ tuần hoàn là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Trang trại của anh Võ Vinh Ca sản xuất đem lại hiệu quả cao. Anh Ca đã được kết nạp là hội viên nông dân, sinh hoạt ở chi hội thôn Kinh tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Với những thành tích đã đạt được, anh Ca được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen tại Hội nghị tuyên dương Nông dân xuất sắc tỉnh Bình Định năm 2024”.