Rừng cây đàn hương này của ông Trần Hồng Trường (55 tuổi), nông dân xã Nhơn Tân hiện sinh sống với nghề trồng rừng sản xuất, ông Trường, bộc bạch: Tôi có 22 năm phục vụ trong quân ngũ và phục viên năm 2021. Cách đây 7 năm tôi mua gần 11 ha đất rừng dưới chân núi Một thuộc thôn Thọ Tân Nam của một người dân để lập nghiệp, và dành 4 ha trồng cây đàn hương. Trước khi đưa cây đàn hương về trồng tôi tìm hiểu khá kỹ đặc tính loài cây này nên liên hệ với Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quí hiếm (gọi tắc ISAF) có địa chỉ ở Hà Nội đặt mua 3.000 cây giống, thời điểm đó giá 100 ngàn đồng/cây (chi phí hết 300 triệu đồng tiền giống) mang về trồng, sau 1 năm xuống giống tỉ lệ cây sống đạt 90 %, hiện giờ cây phát triển chiều cao từ 4 m, có đường kính từ 8 - 18cm và đã cho trái. Từ lúc trồng đến nay tôi bỏ bê khoảng 2 năm không chăm sóc, chứ bón phân chăm sóc thường xuyên cây sẽ lớn nhanh. Hơn nữa, quá trình chăm sóc tôi nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở mình rất phù hợp, mặc dù có năm nắng hạn gay gắt, có năm mưa như trút nước nhưng cây vẫn phát triển và đặc biệt không có sâu bệnh xâm hại.
|
Nông dân Trần Hồng Trường, chăm sóc cây đàn hương |
Ông Trường còn cho biết thêm: Tôi hiện đang chuẩn bị trồng xen canh trong rừng cây đàn hương với cây cam, mít, bưởi để tiện việc chăm sóc có thêm thu nhập, đồng thời chờ cây lớn tạo lõi đến khi bán mới có giá trị.
“Một năm cây đàn hương cho trái vào tháng giêng và tháng 6 rơi vào mùa hè, mình phải thuê công thu hoạch sau đó đem bán cho ISAF, giá 1 ký trái cây đàn hương ISAF thu mua 300 ngàn đồng, còn lá chưa thu mua là do lá sau khi hái trong vòng 3 tiếng đồng hồ phải sơ chế mới giữ được tinh dầu, trong khi mình chưa có công cụ để sơ chế. Tuy nhiên lá đàn hương một vài người bạn xin, tôi cho họ đem về sao nấu nước uống như trà chữa bệnh mất ngủ, cao huyến áp, họ phản hồi rất có hiệu quả. Tôi tính chăm sóc chừng 8 năm nữa, lúc đó cây đàn hương đã tạo lõi thân, lõi cành, lõi rễ hy vọng sẽ bán được giá cao. Mong rằng khi có sản phẩm cho thu hoạch ISAF, hay các nhà máy chế biến cây đàn hương trong và ngoài nước sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm”. Ông Trường, chia sẻ.
Thấy cây đàn hương của ông Trường trồng phát triển tốt, anh Phạm Văn Toàn, sở hữu 0,5 ha đang trồng cây keo lai cũng dự tính sau khi thu hoạch xong keo lai vào năm tới, anh cũng sẽ mua giống cây đàn hương về trồng theo hướng xen canh.
Được biết, đàn hương là loại cây dược liệu có xuất xứ từ Ấn Độ mới du nhập vào nước ta trong những năm gần đây. Cây đàn hương có ưu thế là tận dụng được tất cả các bộ phận của cây từ lõi gỗ, rễ, lá, hạt và rác gỗ để làm tinh dầu, mỹ phẩm... nên mang lại giá trị kinh tế khá cao, được mệnh danh là cây “vàng xanh”.
Ngoài cây đàn hương, ông Trường còn sở hữu trồng gần 7 ha cây keo lai, đã thu hoạch lần 1 thu nhập 600 triệu đồng, thu hoạch xong liền xuống giống trồng tiếp cây keo lai hiện đã 2 năm tuổi. Dự tính khoảng 3 năm nữa khi cây keo lai thu hoạch xong lần 2, ông sẽ chuyển toàn bộ sang trồng cây dược liệu đàn hương.
Bên cạnh, để lấy ngắn, nuôi dài ông Trường còn phát triển chăn nuôi dưới tán rừng, như nuôi 30 con dê, 4 con bò cái lai và gà thả đồi.