Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện An Lão cho biết: để phong trào nông dân thi đua SXKDG có sức lan tỏa và tạo được hiệu quả, những năm qua, các cấp HND đã vận động, hướng dẫn nông dân đầu tư phát triển kinh tế hộ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, các vùng sản xuất hàng hóa của huyện bước đầu đã được hình thành. Từ năm 2018 đến nay có hơn 4.800 lượt cán bộ, hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân SXKDG các cấp, đạt 115% kế hoạch.
|
Mô hình trồng dứa ở An Toàn giúp hội viên nông dân có thêm thu nhập |
Bên cạnh đó Hội phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tập huấn, hội thảo hơn 95 cuộc với hơn 3.900 lượt hội viên, nông dân tham dự; tổ chức dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng cho hơn 68 lớp với gần 2.400 lao động nông thôn tham gia, tập huấn các chuyên đề kỹ thuật phù hợp với điều kiện sản xuất của hội viên, nông dân. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã xây dựng được 22 lượt dự án sản xuất, với số tiền xoay vòng hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 100 lượt hội viên có thêm tiền vốn, vật tư để sản xuất.
Đến nay, HND huyện đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại An Hòa; mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản tại An Tân; mô hình nuôi trâu sinh sản tại An Nghĩa; trồng quế tại An Toàn;… cho thu nhập bình quân từ 100 đến 200 triệu đông/năm. Từ phong trào này, huyện có hơn 2.250 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Bên cạnh đó, hàng năm Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm hộ thoát nghèo.
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân còn được phát huy tích cực. Hội đã vận động hội viên, nông dân và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đóng góp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, vận động tương trợ bằng tiền, ngày công lao động, cây, con giống... Đặc biệt, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hàng năm, có hơn 4.000 hộ nông dân đăng ký thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, với các hoạt động thiết thực, cụ thể như: tổ chức lại sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình, phát động cán bộ, hội viên, nông dân xây dựng được nhiều mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, có gắn bảng tại các tuyến đường chính, khu vực đông dân cư nhằm giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hàng năm có 57/57 chi Hội đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Ngoài ra, cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động và hiến đất trị giá hàng trăm triệu đồng. Từ đó, toàn huyện có 02/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 14 tiêu chí trở lên.
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch HND huyện cho biết thêm: thời gian tới, HND tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phấn đấu để phong trào phát triển về chất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; trong đó, chú trọng công tác phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm giúp hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.