Ông Tỏ kể, trước đây ông còn khó khăn, ít vốn liếng, nhưng nhờ chí thú với nghề nuôi bò cái lai sinh sản, có nhiều con giống tốt, dần dần ông có nhiều bạn hàng. Càng có nhiều khách, ông càng tập trung phát triển bò giống và chú trọng đầu tư giống bò chất lượng cao như 3B, Red Angus. Đàn bò gia đình ông có gần 60 con cả bò mẹ lẫn bê con, trong đó có 2/3 là bò mẹ.
|
Ông Lương Văn Tỏ chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình |
Để nâng cao chất lượng con giống, ông Tỏ kết hợp cả hình thức nuôi nhốt, chăm sóc ở chuồng trại đồng thời với chăn thả ở các đồng cỏ, cánh rừng, đồi núi giúp bò vận động, khỏe mạnh. Để chủ động thức ăn đảm bảo chất lượng cao cho bò, ông Tỏ trồng lúa để lấy rơm rạ sạch, trồng cỏ voi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tích lũy vốn được đến đâu, ông đầu tư cho đàn bò và mở rộng diện tích trồng cây keo lai đến đó. Đến nay ông Tỏ sở hữu tới 10 ha rừng keo.
Ông Tỏ cho biết thêm: Tôi đặc biệt chú trọng áp dụng các tiến bộ KHKT từ khâu chọn con giống, cây giống, đến quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ngay cả việc trồng rừng, tôi cũng coi đó sân chơi của đàn bò, nhờ vậy đàn bò của tôi lanh lợi, nhìn rất sung sức. Người đến mua bò thấy bò của tôi là thích ngay. Nghề nuôi bò đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi. Trong chăn nuôi bò sinh sản, quan trọng là bảo đảm tiêm phòng dịch bệnh và khẩu phần ăn, chăm sóc kỹ cho bò, làm sao để bò cái đẻ càng nhiều lứa càng tốt và mỗi lứa phải đảm bảo chất lượng bê con khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghi, nhận xét: Với việc duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng đã hơn 20 năm, ông Lương Văn Tỏ là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, mỗi năm ông Tỏ lãi hơn 300 triệu đồng. Kinh tế gia đình khá giả, ông Tỏ tích cực tham gia phong trào thi đua, cuộc vận động và ủng hộ các loại quỹ của địa phương, tham gia hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.