Chia sẻ với chúng tôi, ông Phúc cho biết từ trước đến nay người dân trên địa bàn xã chỉ quen sản xuất các loại cây truyền thống như lúa, mì, các loại hoa màu; chăn nuôi heo, bò và các loại gia cầm, hiệu quả kinh tế không cao. Sau mỗi vụ thu hoạch nông dân lãi không nhiều, nhất là những hộ có diện tích đất ít rất khó phát triển kinh tế gia đình từ nghề nông.
Nhưng từ năm 2016 đến nay, cuộc sống gia đình ông đã có nhiều thay đổi nhờ chuyển đổi sang trồng cây mãng cầu dai... cho thu nhập cao. Thời điểm đó có người cho rằng ông thật phí công khi chọn trồng cây mãng cầu dai trên đất khô cằn này làm kinh tế. Thế nhưng, qua 2 năm đầu những cây mãng cầu của ông bắt đầu phát triển, ra trái, cho thu nhập đáng kể .
Ông Phúc cho biết, gia đình có khoảng 2.500m2 đất canh tác, hàng năm ông sạ 2 vụ lúa, nếu trúng lúa và có giá, trừ các chi phí lãi khoảng 10 triệu đồng, làm ruộng bao nhiêu năm mà không khá, nếu cứ trồng lúa mãi thì không thể làm giàu, nên tôi nghĩ mình phải thay đổi, thoát khỏi cây truyền thống xem có khá nổi hơn không.
May sao trong lần tình cờ gặp người quen thân ở Tây Ninh về quê thăm chơi và giới thiệu về trồng cây mãng cầu mang lại hiệu quả kinh tế cao nên rủ ông vào Tây Ninh tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Tới nơi thấy vườn mãng cầu mê quá và nghe ông chủ vườn nói rất có hiệu quả kinh tế nên ông quyết định mua giống về trồng – ông Phúc chia sẻ.
Sau chuyến tham quan thực tế ông Phúc mua 250 cây giống mãng cầu về trồng trên đất nhà mình. Theo ông mãng cầu là cây thích nghi với vùng khô hạn, không kén chọn đất như một số cây trồng khác, thích nghi với vùng đất cát pha. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, thiếu đầu tư, không áp dụng kỹ thuật, nên hiệu quả kinh tế thấp, nhưng với niềm tin thành công từ trồng cây mãng cầu nên ông dành nhiều thời gian tìm hiểu qua sách, báo về cách chăm sóc, thu hoạch để mãng cầu phát triển và cho quả sai, to chất lượng. Đồng thời cho biết hiện gia đình ông đã có 500 cây mãng cầu dai trên diện tích gần 2ha, mỗi cây mảng cầu ông chỉ giữ lại khoảng 50-70 quả, có quả to nặng gần 1kg, mỗi năm thu hoạch được hàng tấn trái quả to, đẹp, không bị sâu. Nhờ áp dụng kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, hàng năm vườn mãng cầu gia đình ông cho thu hoạch 02 vụ (vụ thuận và vụ nghịch), đầu ra khá ổn định ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận, mang lại cho gia đình ông từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm.
Đến bây giờ, nhìn lại vườn mãng cầu nhà mình, ông Phúc rất hài lòng về lựa chọn trồng cây mãng cầu để phát triển kinh tế, chính loại cây trồng này đã góp phần giúp vợ chồng ông tăng thu nhập, nuôi con cái lớn khôn. Gia đình ông hiện có khoảng 1 mẫu đất dùng để trồng luân canh các loại khác như: ớt, đậu phộng, rau màu... Không chỉ trồng trọt, vợ chồng ông Phúc còn chăn nuôi thêm 10 con heo nái và 5 con bò lai sinh sản. Nhờ chăm chỉ lao động mà kinh tế của vợ chồng ông ngày càng phát triển. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình đạt từ 150 - 200 triệu đồng.
Bận rộn quanh năm với cây trồng và chăn nuôi, thế nhưng ông Phúc vẫn là một Chi Hội trưởng giỏi, được hội viên nông dân tin tưởng, yêu thương. Chi Hội Nông dân thôn Mỹ Hội 3 do ông làm Chi Hội trưởng hiện có khoảng 200 hội viên. Trước khi được tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng Nông dân, ông Phúc đã có nhiều năm gắn bó với hội trong các vai trò khác nhau như: Tổ trưởng, Chi Hội phó. Quãng thời gian này giúp ông vừa học hỏi, rút kinh nghiệm từ những người đi trước, vừa gần gũi, gắn kết hơn với các hội viên nông dân. Nhờ đó mà dưới sự dẫn dắt của ông, 10 năm qua, Chi Hội Nông dân thôn Mỹ Hội 3 luôn là một trong những đơn vị có hoạt động, phong trào sôi nổi. Bà con trong thôn tuy đa phần gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi song đều tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào do Hội Nông dân các cấp và địa phương triển khai. Cá nhân ông Phúc cũng nhiều lần được khen thưởng vì những thành tích đóng góp cho sự phát triển của Hội.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Tài Nguyễn Văn Chớ đánh giá: “ông Phúc là Chi Hội trưởng giỏi, năng động, nhiệt tình. Không chỉ là người tiên phong trong các hoạt động, phong trào mà còn là tấm gương làm kinh tế giỏi. Nhờ ông Phúc động viên, hỗ trợ nhiều hội viên tích cực tham gia hoạt động của Hội, đồng thời chăm chỉ lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo”.