Ông Đỗ Đình Hòa đã sở hữu 18 trại trồng nấm, sản lượng mỗi tháng đạt bình quân 3 tấn nấm. Tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương, tham gia CLB nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 14/10 và CLB nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị của tỉnh. Ông đã vinh dự được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý, được nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng Ba, Bộ NN-PTNT trao tặng thành tích nông dân có sáng kiến, sáng chế tiêu biểu, Hội Nông dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ trao giải nhất tại hội thi sáng tạo nhà nông và nhiều lần được UBND cấp tỉnh, cấp trung ương trao tặng bằng khen.
Mới đây, trong trung tuần tháng 3 năm 2025, ông Đỗ Đình Hòa triển khai trồng thử nghiệm trồng nấm mối trắng tại đồng đất vườn trong khuôn viên gia đình ông.
Theo ông Hòa, nấm mối trắng là loại nấm mối mọc ngoài tự nhiên, sinh trưởng và phát triển ra thành phẩm thu hái được ở những nơi có loại mối đất sinh sống. Ngoài các yếu tố cần thiết như nhiệt độ và độ ẩm phù hợp ở tự nhiên thì nấm mối trắng mọc được là nhờ thành phần nước bọt tiết ra từ những con mối thợ, nước bọt mối thợ tiết ra đến đâu thì nấm mối trắng sinh trưởng đến đó. Cho nên, việc đưa nấm mối trắng vào quy trình sản xuất “ nhân tạo ” là một việc cực kỳ khó khăn.
Khi chuẩn bị cho việc trồng thử nghiệm, thời gian qua ông Hòa tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và ông cũng đã cất công đi khắp nơi để có thể nhìn thấy thực tế và học hỏi, trao đổi cách trồng nấm mối trắng, nhưng ông Hòa thất vọng, bởi chưa ai trồng hoặc đã trồng thành công loại nấm này.
Tuy nhiên, với hơn 20 năm kinh nghiệm, ông đã đúc rút được rất nhiều kiến thức quan trọng và đã từng thành công trong việc tự tạo lập giống nấm gốc các loại, phân lập, tạo meo giống đến nuôi trồng, chăm sóc và thu hái, cộng với tính kiên trì và ý chí quyết tâm chính là sức mạnh to lớn để ông có thể suy nghĩ, tìm ra những hướng giải quyết thỏa đáng nhất, phục vụ cho lần thử nghiệm này.
Nói nôm na việc tạo ra nấm mối trắng, ông Đỗ Đình Hòa lý giải: “ Tôi chọn phương án, dùng 10 khúc gỗ bồ đề, chiều dài 20 cm/ khúc, bên trên gắn một ít meo giống nấm mối trắng đã phân lập và tạo sợi tơ nấm. Đây là “ thức ăn ” cho đàn mối tới ăn tơ nấm. Đào hố nhỏ rồi đặt khúc gỗ vào, lấp đất, bên trên phủ rơm để giữ độ ẩm. Trong lòng đất, khi mối tới ăn, sợi tơ nấm dù ít dù nhiều sẽ gặp được nước bọt của mối ”.
“Theo quan sát hàng ngày, tôi thấy khuôn viên đất nhà tôi là vùng đất có đàn mối sinh sống từ lâu, nay tôi tận dụng sử dụng một khoảnh nhỏ để trồng thử nghiệm nấm mối trắng. Với lợi thế là tôi đã tìm tòi, nghiên cứu, phân lập và tự sản xuất được các giống nấm khỏe, chất lượng tốt, tăng khả năng kháng bệnh. Chủ động trong tay có nấm giống gốc rồi, việc còn lại của trồng thử nghiệm là liên tục theo dõi diễn biến của quá trình sinh trưởng, phát triển của nó để có cách xử lý kịp thời. Đây cũng là một bước tiến mới tiếp cận sâu vào tiến bộ của khoa học công nghệ, chinh phục loại nấm mối trắng, khó mấy đi nữa tôi kỳ vọng sẽ làm cho được ” - Ông Đỗ Đình Hòa quả quyết.