Hành trình lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó, những năm đầu lập nghiệp, vợ chồng ông Đài phải chật vật mưu sinh bằng đủ nghề, từ buôn bán hàng ăn uống đến trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh khiến cuộc sống vẫn khó khăn.
Năm 2014, nhận thấy nhu cầu trồng rừng tăng cao trong khi nguồn cung cây giống khan hiếm, ông Đài quyết định chuyển hướng sang ươm keo lai và bạch đàn. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho một vườn ươm rộng 1.000 m² lên tới hơn 100 triệu đồng – một số tiền quá lớn đối với gia đình lúc bấy giờ.
May mắn thay, ông Nguyễn Bá Đào, một người có kinh nghiệm trong nghề ươm cây ở địa phương, nhìn thấy quyết tâm của vợ chồng ông Đài và sẵn lòng cho vay 50 triệu đồng không lãi suất trong hai năm. Có vốn trong tay, cộng với sự hỗ trợ từ cha mẹ, ông Đài mạnh dạn mở vườn ươm đầu tiên.
Sau hai năm kiên trì học hỏi và lao động không ngừng, vợ chồng ông không chỉ trả hết nợ mà còn có khoản dư để đầu tư cho con cái ăn học và xây dựng nhà cửa. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mô hình ươm cây của ông ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Chỉ tính riêng năm 2024, ngoài sản xuất cây giống, ông còn mở rộng thu mua keo hom từ các vườn khác, đầu tư thêm máy móc phục vụ sản xuất. Tổng thu nhập cả năm trên 3 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.
Tạo việc làm, giúp đỡ người dân địa phương
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Đài còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Ông cũng hỗ trợ hộ nghèo trong xã hàng chục nghìn cây keo giống, trị giá hơn 100 triệu đồng, cho trả dần không lãi suất. Đây là cách ông giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế rừng mà không bị áp lực tài chính ban đầu.
Ngoài ra, ông Đài còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp cho quỹ Hỗ trợ Nông dân, quỹ vì người nghèo và nhiều chương trình xã hội khác ở địa phương.
Không chỉ hỗ trợ về tài chính, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật trồng keo hom, giúp nhiều hộ nông dân địa phương vươn lên thoát nghèo.
Với đà phát triển hiện tại, ông Đài dự định mở rộng quy mô vườn ươm, nâng cao chất lượng cây giống, đồng thời tiếp tục hỗ trợ bà con trong vùng phát triển kinh tế rừng bền vững.
Từ hai bàn tay trắng, ông Đào Sanh Đài đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ sự kiên trì, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ dám làm. Câu chuyện của ông không chỉ là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên mà còn minh chứng rằng nông dân hoàn toàn có thể làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
Nhờ những đóng góp tích cực, Hội Nông dân tỉnh Bình Định đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho ông Đào Sanh Đài vì đã xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.