Trước đây, vùng đất Trà Cong, xã An Hòa được người dân sử dụng để trồng ớt, thời tiết khắc nghiệt, cộng với giá cả thị trường không ổn định nên cây ớt không phát huy được năng suất, dần dần người dân không mặn mà. Có thời điểm vùng đất hơn 10 ha này bị bỏ hoang, chỉ lác đác một vài hộ trồng bắp và vài loại cây hoa màu khác nhưng cũng không đem lại giá trị kinh tế cao.
Hai năm trở lại đây, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động, cộng với sự nhanh nhạy của nhiều hộ dân trong thôn, người dân Trà Cong một lần nữa cải tạo vùng đất để trồng rau màu. Ban đầu, một vài hộ trồng dưa leo, thấy cây dưa leo phát triển tốt, cho năng suất cao, thu nhập khá, nên trong năm 2024, đã có rất nhiều gia đình đầu tư trồng dưa với diện tích lớn gần 5ha.
Vụ này, gia đình bà Nguyễn Thị Đạt, thôn Trà Cong, xã An Hòa trồng hơn 3 sào dưa leo, đây là năm thứ 2 bà trồng dưa. Năm đầu tiên, cả thôn chỉ một mình gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi trồng dưa, vừa làm vừa thấp thỏm lo sợ không đạt năng suất, bán không được giá, nhưng rồi chỉ sau vài tháng cả vụ dưa cũng giúp bà có thêm gần 10 triệu.
Phấn khởi với thắng lợi vụ đầu, vợ chồng bà duy trì mở rộng thêm diện tích dưa và tham khảo thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc. Nhìn ruộng dưa leo của gia đình bà Đạt xanh tốt, ra rất nhiều hoa và cho thu hoạch quả mỗi ngày, ai cũng trầm trồ khen vợ chồng bà “mát tay”.
Bà Đạt chia sẻ: Tôi xuống giống từ cuối tháng 11 âm lịch, năm nay nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cây dưa phát triển khá nhanh. Để dưa cho năng suất cao, gia đình tôi đầu tư nhất là khâu làm giàn, dưa leo đến đâu làm giàn cao đến đó, hàng ngày đều ghé thăm ruộng dưa để bắt sâu, nhổ cỏ, bắt lại những cành dưa cho chúng leo giàn theo chiều thẳng đứng, khi dưa ra hoa cũng là thời điểm quan trọng, cần chú ý vì sợ sâu bệnh phá hoại. Mặc dù thời gian cho quả không dài, chỉ khoảng hơn một tháng nhưng vụ dưa tết năm nay được giá hơn 30 nghìn đồng/kg, gia đình cũng có thu nhập hơn 10 triệu đồng.
Cạnh ruộng dưa của bà Đạt, ông Nguyễn Văn Nghị đang sử dụng những cành củi khô để làm giàn cho ruộng dưa. Ông Nghị cho biết, ông trồng gần 2 sào dưa, một sào đã cho thu hoạch bán trong dịp tết vừa rồi, còn một sào mới trồng hơn một tháng đang ra hoa. Ông trồng lệch thời gian nhằm vừa có dưa bán trong thời gian dài, vừa không bán ồ ạt khi dưa vào chính vụ, như vậy thì sẽ bán được giá hơn.
Chính quyền xã An Hòa rất phấn khởi khi thấy bà con thôn Trà Cong khôi phục vùng đất để canh tác, đặc biệt là trồng dưa leo. Người dân cũng rất năng động khi vừa bán hàng tại các điểm chợ, vừa sử dụng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm, do đó, thị trường khá ổn định.
Bà Trần Thị Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa cho biết: Hiện nay, dưa leo đang có giá từ 8 – 10 nghìn đồng/kg, những hộ trồng dưa đều có thu nhập khá cao và ổn định, nhà trồng ít thì được 5 triệu đồng, nhà trồng nhiều sẽ được 20 triệu đồng. Hội sẽ vận động bà con tăng vụ, phấn đấu mỗi năm trồng lên 3 vụ dưa, ngoài ra, trồng thêm đậu cô ve, mướp đắng, bầu bí để tận dụng hết diện tích đất ở vùng Trà Cong, có thêm nguồn thu nhập ổn định và gắn bó với đồng ruộng./.