Những năm gần đây, giá kén tằm ổn định ở mức cao từ 140 – 180 nghìn đồng/kg, nên phong trào trồng dâu nuôi tằm ở An Lão phát triển trở lại. Ðáng kể là việc trồng dâu xen canh với cây ngô đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Được biết, vào cuối tháng 11 Âm lịch hàng năm, nông dân bắt đầu đốn choái dâu để cây nảy lộc và bắt đầu một vụ nuôi tằm mới. Khoảng cách giữa 2 hàng dâu từ 1,2 - 1,5m, nên khi đốn choái, làm cỏ, bón phân, khoảng 2 tháng sau dâu mới bắt đầu khép tán. Tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng dâu, nhiều hộ trồng dâu đã đưa cây ngô vào trồng xen với cây dâu. Vì thu hoạch trái ngô non để nấu hoặc nướng nên thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chưa đầy 2 tháng, mang lại hiệu quả cao.
Ông Trần Văn Mót, ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa cho biết: Gia đình tôi có 2 ha dâu, mấy năm nay trồng xen ngô. Ngoài tiền bán lá dâu và trực tiếp nuôi tằm thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, cùng với tiền bán ngô hơn 10 triệu nữa. Trái ngô bán non rất chạy; đồng thời nhờ thu hoạch trái còn non nên thân cây ngô dùng làm thức ăn cho trâu,bò rất tốt. Hiện phần lớn các hộ trồng dâu ở đây đã đưa cây ngô vào trồng xen.
Được biết, nếu kết hợp xen canh hợp lý sẽ giảm được tỷ lệ sâu bệnh và cỏ dại trên ruộng, điều hòa được các chất dinh dưỡng, cải tạo và nâng cao độ phì của đất như làm tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm, giữ phân bón của đất, giảm sâu bệnh, tăng hàm lượng dinh dưỡng trong đất.
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão cho biết: Mô hình trồng dâu tằm xen cây ngô là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ canh tác của người dân địa phương. Ngoài việc tăng hiệu quả kinh tế, mô hình trồng dâu tằm xen cây ngô còn có thu nhập ổn định hơn, kể cả trong điều kiện khô hạn kéo dài. Việc chuyển đổi trồng dâu tằm xen cây ngô đã đem lại nhiều lợi ích kích tế cho bà con nhân dân. Trong thời gian đến, Hội sẽ tiếp tục vận động bà con nông dân nhân rộng mô hình, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình./.