Hội Nông dân tỉnh Bình Địnhhttps://hoinongdanbinhdinh.org.vn/uploads/chu-hnd.png
Thứ ba - 18/02/2025 13:53
Trước ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, một số hộ trồng lúa trên địa bàn huyện An Lão không gieo sạ vụ lúa ở chân ruộng cao, mà chuyển đổi sang trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vụ lúa Đông Xuân năm nay, chị Võ Thị Lan, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân không gieo sạ hết 8 sào lúa như các vụ trước. Chị Lan dành gần nửa diện tích ở chân ruộng cao, hay bị thiếu nước để trồng cỏ nuôi 5 con bò nái. “Ruộng lúa ở những gò cao hay bị thiếu nước. Bên cạnh đó, chi phí phân, thuốc ngày càng tăng cao, không thu lợi nhuận nhiều. Do vậy, tôi giảm diện tích gieo sạ lúa, thay vào đó tôi kết hợp trồng cỏ với chăn nuôi bò nhốt chuồng để mang lại hiệu quả cao hơn”, chị Lan cho hay.
Chị Võ Thị Lan, ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò đạt hiệu quả cao
Chị Lan phân tích, nếu dành hết đất để gieo sạ lúa, thu hoạch khoảng 7 tấn lúa. Tạm tính với giá hiện nay thì thu được hơn 50 triệu đồng, lợi nhuận sau khi trừ chi phí còn được hơn 30 triệu đồng/năm. Khi chuyển một phần đất để trồng cỏ nuôi 5 con bò cái sinh sản, thu lợi nhuận từ đàn bò hơn 70 triệu đồng/năm. Từ năm 2020, ông Nguyễn Văn Bảy, thôn Long Hòa, xã An Hòa, đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò thịt, bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Bảy cho biết, trước đây kinh tế gia đình phụ thuộc vào 06 sào đất trồng lúa. Nhận thấy trồng lúa không đảm bảo kinh tế, ông Bảy mua 3 con bò nái sinh sản về nuôi, chuyển một phần đất trồng lúa sang trồng cỏ nuôi bò. Sau 4 năm, đàn bò nái sinh sản lên đến 8 con. Bên cạnh đó, ông Bảy còn mua thêm bò đực về nuôi vỗ béo. Mỗi năm từ chăn nuôi bò, ông thu lợi nhuận gần 80 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Hiện nay, tổng diện tích trồng cỏ của huyện An Lão hơn 25 ha, trong đó diện tích trồng cỏ trên đất ruộng chiếm hơn 8 ha, cơ bản đảm bảo thức ăn cho hơn 3.768 con trâu và 9.079 con bò. Việc trồng cỏ trên đồng ruộng nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã và đang tạo thuận lợi trong chăm sóc, hạn chế rủi ro, kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi của huyện. Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán kéo dài, diện tích trồng lúa kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, việc chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ ruộng nuôi bò nhốt chuồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, chủ động cân đối được nguồn thức ăn trong chăn nuôi, không phụ thuộc vào tự nhiên. Đặc biệt, tạo điều kiện cho các hộ dân ít đất sản xuất có cơ hội ổn định đời sống, phát triển kinh tế./.