Bắt đầu từ đam mê
Là một nông dân từng phục vụ trong quân ngũ (2005–2007), anh Lê Bảo Long lần đầu tiếp xúc với nghề chế tác khi tình cờ nhặt được một gốc cây khô trong lúc huấn luyện. Tận dụng thời gian nghỉ, anh đã đục đẽo và tạo ra tác phẩm đầu tay được đồng đội và cấp trên đánh giá cao.
Sau khi xuất ngũ, lập gia đình và trở lại cuộc sống đời thường, anh Long luôn đau đáu tìm một hướng phát triển kinh tế bền vững. Nhớ lại niềm đam mê thủ công mỹ nghệ, anh bắt đầu thu gom các gốc cây khô và đá cuội từ bạn bè, người quen để chế tác thành các sản phẩm trang trí mang tính nghệ thuật và phong thủy.
Ban đầu chỉ là niềm vui cá nhân, nhưng những sản phẩm của anh nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ người dân địa phương. Từ vài đơn đặt hàng nhỏ, anh dần hình thành mô hình sản xuất tại gia, vừa làm thủ công, vừa học hỏi và sáng tạo không ngừng.
Nắm bắt chủ trương khuyến khích hội viên khởi nghiệp, sáng tạo từ Hội Nông dân và sự ủng hộ của chính quyền địa phương, tháng 02.2021, anh Long bắt tay đầu tư xây dựng xưởng chế tác ngay tại nhà. Anh trang bị mái che, hệ thống máy móc như máy cưa, máy mài, máy đục, máy bơm hơi… phục vụ cho quá trình gia công chuyên nghiệp.
“Gốc cây khô, rễ khô hoặc đá cuội vốn có hình dáng không cố định, yêu cầu người thợ phải xử lý kỹ lưỡng, từ làm sạch, phân loại phôi, định hình thế dáng cho đến khâu chạm khắc chi tiết. Mỗi sản phẩm không chỉ cần kỹ thuật mà còn đòi hỏi óc sáng tạo và sự kiên nhẫn cao độ”, anh Long chia sẻ.
Các loại gỗ như mít, muồng, trắc, sầu đâu… qua tay anh được “hô biến” thành tượng Tam Đa Phúc – Lộc – Thọ, Phật Di Lặc, linh vật tứ linh hay tiểu cảnh đá cuội phong thủy. Không chỉ mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ, sản phẩm còn có giá trị sử dụng lâu dài và được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ nguyên liệu có chi phí đầu vào thấp – đôi khi chỉ là phế liệu – qua chế tác, sản phẩm hoàn thiện có giá trị gấp nhiều lần. Riêng trong năm 2024, anh Long đã bán ra hơn 20 sản phẩm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về trên 150 triệu đồng.
Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà còn đến với khách hàng ở các tỉnh thành khác. Đặc biệt, những mẫu mã mang tính sáng tạo và cá nhân hóa cao ngày càng được ưa chuộng, mở ra hướng đi đầy tiềm năng cho mô hình thủ công mỹ nghệ này.
Cần sự đồng hành để vươn xa
Bên cạnh những kết quả tích cực, mô hình của anh Long cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nguồn nguyên liệu đẹp, có giá trị thẩm mỹ thường khó tìm, việc vận chuyển và bảo quản gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ tại địa phương còn hạn chế; kênh bán hàng chủ yếu vẫn là truyền miệng và giới thiệu trực tiếp.
Anh Long mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, tổ chức hội đoàn để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tham gia hội chợ triển lãm, được tập huấn kỹ năng quảng bá sản phẩm và phát triển thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường.
Một trong những ấp ủ lớn nhất của anh là xây dựng mô hình “làng nghề chế tác nghệ thuật từ gốc cây khô và đá cuội” tại quê nhà. Đây không chỉ là nơi sản xuất mà còn có thể trở thành điểm đến du lịch trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
“Mỗi gốc cây, mỗi viên đá đều có linh hồn. Nếu đủ kiên nhẫn và tình yêu với nghề, người thợ có thể ‘đánh thức’ vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong chúng”, anh Long chia sẻ thêm.
Có thể nhận thấy, mô hình chế tác của anh Lê Bảo Long là minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới, sáng tạo của người nông dân trong thời kỳ hội nhập. Biến những vật liệu bị bỏ quên thành sản phẩm có giá trị cao, mô hình không chỉ giúp tăng thu nhập, tạo việc làm mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.