Sáng kiến này bắt nguồn từ việc giá mùn cưa cây cao su - nguyên liệu chính lâu nay dùng để trồng nấm, tăng lên rất cao, chính vì thế ông Hòa nảy ra ý tưởng thay thế mùn cưa bằng gỗ cây keo để sản xuất nấm. Nói về sáng kiến kỹ thuật mới này, ông Hòa cho biết: Tôi chọn gỗ cây keo nguyên vỏ có đường kính thân từ 0,7 - 15 cm cắt thành từng khúc dài từ 10 - 17 cm, sau đo đem ngâm vào nước vôi 15 - 20 phút, để ráo nước rồi ủ 2 - 3 ngày. Nhúng các khúc gỗ vào dung dịch, gồm nước, cám gạo và dịch trùn quế, mục đính để tăng thêm dinh dưỡng, tạo thuận lợi cho meo giống nấm cấy trên khúc gỗ keo sinh trưởng, phát triển tốt. Đóng nguyên liệu vào bịch nilon chịu nhiệt, đem hấp khử trùng trong nồi áp suất. Sau đó, chọn nơi thoáng mát và có ánh sáng tán xạ để treo bịch.
|
Ông Đỗ Đình Hòa kiểm tra lứa nấm bào ngư sử dụng gỗ cây keo để sản xuất |
Với loại nguyên liệu mới để làm nấm, ông Hòa đã trồng thành công nấm bào ngư, nấm linh chi đỏ và vân chi đỏ. Đặc biệt, với nấm bào ngư, khi dùng gỗ cây keo thời gian thu hoạch nấm kéo dài tới 6 tháng, nhiều hơn 2 tháng so với nguyên liệu mùn cưa cao su. Hơn nữa, gỗ cây keo rất sẵn ở địa phương, giá rẻ hơn, tính sơ sơ đã giảm được 50% chi phí nguyên liệu, thời gian thu hoạch lại kéo dài nên lợi nhuận tăng lên khá nhiều.
Ông Trần Duy Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Thuận, cho biết: Dùng gỗ keo làm nguyên liệu trồng nấm là một giải pháp hay, thể hiện tính giàu sáng tạo của người nông dân hay lam hay làm như ông Đỗ Đình Hòa. Cùng với nỗ lực sáng tạo để phục vụ cho nghề trồng nấm, ông Hòa đã xây dựng thành công Dự án Trồng nấm sạch công nghệ cao theo chuỗi giá trị do Hội Nông dân tỉnh công nhận năm 2022. Ông Hòa cũng đã được Chủ tịch nước tặng Bằng khen về thành tích trồng nấm giỏi.