Làm kinh tế ở tuổi xưa nay hiếm
Vào năm 2019, tuy đã ở cái tuổi gần 70, nhưng khi con trai mua được mảnh đất rẫy và có ý định trồng cây ăn trái, ông Tái và bà Hoa đã khăn gói từ Nam Định đến Tây Sơn, quyết tâm cùng con làm kinh tế theo hướng mới.
Bà Hoa cho biết, con trai bà làm nghề khoang giếng nên đi khắp các địa phương, công việc vườn chủ yếu do ông bà làm. Theo bà, diện tích đất vườn hiện tại trước đây chủ yếu dùng trồng cây keo nên bạc màu, gia đình phải mất rất nhiều công sức để cải tạo. Từ việc đào dọn gốc keo, san ủi đất gò, khoan giếng lấy nước tưới đến việc sử dụng các loại phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh để tạo độ mùn cho đất. Sau cải tạo, ông bà đưa vào trồng hàng ngàn cây ăn quả gồm: mãng cầu, dừa, chuối, mít, sampochê, bưởi, cam….trên diện tích 2 ha. Đặc biệt, với những kỹ thuật học hỏi được từ người thân trong gia đình và từ các kênh truyền thông, ông bà chọn trồng trên 800 gốc nhãn, giống Liên Tri và Kinh Đô.
Để nhãn sinh trưởng tốt, ông bà chăm bón theo quy trình, cung cấp đủ nước, sử dụng nhiều lượng phân chuồng bón cho cây. Năm thứ 4, cây nhãn bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, từng chùm nhãn trĩu cành, chỉ cần với tay là hái được.
“Những ngày đầu bán quả nhãn ở các chợ tại Tây Sơn, nhiều người nghe giọng tôi, lại nghe nói nhãn này được tôi trồng ngay trên đất mình, không ai tin tôi”, bà Tái vừa nhắc vừa cười.
Bắt cây nhãn ra quả trái vụ, rải vụ
Trong tình hình làm nông nghiệp vất vả, giá cả lại bấp bênh nên gia đình bà Hoa phải chọn cách đi riêng, sử dụng kỹ thuật “xiết nước”, ép cây nhãn ra quả gối đầu nhiều đợt trong năm để vừa có thể tận dụng được công lao động gia đình, vừa tránh được tình trạng “dội chợ” khi không tiêu thụ kịp.
Để cây nhãn ra quả theo ý muốn, ông bà thực hiện việc dưỡng sức cho cây bằng cách cắt tỉa bớt cành để tán thông thoáng, thu dọn cỏ dưới gốc cây để làm khô đất dưới tán cây, đồng thời cắt nước luân phiên để cây rụng lá, héo rễ; mỗi lần áp dụng cho khoảng 80 cây. Khi muốn cây cho quả, thực hiện việc tưới nước, bón phân theo chế độ tăng cường để cây nứt mầm lá. Khi nhãn đã tạo hoa, báo cùi thi chăm sóc như cây bình thường. Đối với cây nhãn, xiết nước và chăm sóc đúng kỹ thuật tạo cho nhãn có độ ngọt đậm đà hơn.
Việc giữ số lượng quả trên cây cũng được gia đình bà Hoa cân đối cắt tỉa, chọn lọc. Thường gia đình bà giữ khoảng 10-12 kg/ cây (chừng 10 chùm) để quả to, phù hợp với độ cao của cây.
Theo chân bà Hoa đi thăm khu vườn mới thấy hết những nỗ lực của ông Tái, bà Hoa khi đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Bên cạnh vườn cam, mãng cầu, là vườn nhãn với những giai đoạn phát triển khác nhau, có phân khu sai trĩu quả, đang thu hoạch, có đoạn quả đang xanh, có khu vừa nhú quả, đã bung hoa, hoa sắp nở, hoa mới nhú hoặc đang nứt nhánh…hứa hẹn những đợt nhãn bội thu.
Hiện khu vườn rộng, lúc lĩu nhãn và các loại trái khác của gia đình bà đã thu hút nhiều người dân địa phương đến tham quan, mua trái tại vườn. Chị Phan Chiến Lạc, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận cho biết, khi đến vườn, chúng tôi được tham quan, thưởng thức nhãn (miễn phí). Nếu mua về thì được tự tay chọn cắt, vườn cân bán với giá 18.000 đồng/ kg. Chị cũng cho hay, bản thân không nghĩ có thể trồng cây nhãn trên đất quê hương với chất lượng quả to, cơm dày và khá ngọt như vậy.
“Gia đình tôi neo người, việc chăm sóc vườn cũng tốn nhiều công sức nên gia đình chọn cách để mọi người tham quan, trải nghiệm hái nhãn và bán tận vườn, giảm công hái quả mang xuống chợ bán. Người này giới thiệu người kia, nhất là sức mạnh của mạng xã hội khiến vườn cây ăn trái nhà tôi được biết đến nhiều hơn. Hiện ngày nào cũng có người đến mua nhãn. Có những ngày, gia đình cắt liên tục từ sáng đến tối vẫn không kịp”, bà Hoa vui vẻ cho biết,
Ngoài nhãn, các loại cây khác như: dừa, chuối, mãng cầu cũng đã cho thu hoạch, bước đầu mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch Hội nông dân xã Tây Thuận cho biết, tuy tuổi đã cao, nhưng ông Tái, bà Hoa không ngại tốn công, tốn của đầu tư cải tạo để đất ngày càng màu mỡ. Đặc biệt là việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp áp dụng kỹ thuật bón phân qua đường ống tưới tiết kiệm, vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa cung cấp đủ nước cho cây trồng sinh trưởng tốt. Đây là mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn, đa dạng các loại cây được triển khai thực hiện đầu tiên và hiệu quả ở địa phương, mở ra triển vọng cho phát triển nông nghiệp xã, nhất là đối với cây nhãn. “Thời gian đến, hội sẽ triển khai cho các hộ dân tham quan, học tập, nhân rộng mô hình này, góp phần cải thiện đất bạc màu, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích đất, chân đất, nâng cao thu nhập cho người nông dân”, ông Tín cho biết thêm.