Đến nay, gia đình ông Thiệu đã sở hữu 20 sào ruộng trồng lúa. Ông Thiệu nhẩm tính: “Cứ thâm canh mỗi sào lúa/vụ, sau khi trừ chi phí thu lãi bình quân 1 triệu đồng/sào; mà với 20 sào trồng lúa thì lãi 20 triệu đồng/vụ. Gia đình tôi sản xuất 2 vụ lúa/năm, vậy ổn định, cầm chắc 40 triệu đồng/năm ”.
Cũng với phương thức đấu giá đất dự phòng, ông Thiệu còn mở rộng diện tích trồng cây hoa màu gồm 5 sào rau bồ ngót, 2 sào đậu bắp, 2 sào cây cà giòn và 3 sào cây ngò tàu. Các loại cây hoa màu này có hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Nhờ thế, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập tăng đáng kể.
“Tấc đất là tấc vàng nếu biết đầu tư để thâm canh cây trồng, nên tôi đã chi phí khoảng 20 triệu đồng để cải tạo đất trồng hoa màu của gia đình thoát cảnh ngập úng để canh tác. Quan sát các thửa đất đấu giá, cả đất ruộng trồng lúa, cả diện tích trồng cây hoa màu, đám nào mà đất xấu, úng nước thì tôi lên kế hoạch cải tạo đất, nâng mặt bằng đất lên rồi bón thêm phân chuồng hoai, phân hữu cơ để nâng cao độ phì nhiêu của đất mà canh tác. Nhờ vậy, mấy năm nay nguồn thu từ canh tác hoa màu và cây lúa của gia đình tôi khá hẳn lên ” - ông Lê Văn Thiệu phấn khởi cho biết thêm.
Ông Nguyễn PhúcThành - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Phong, nhận xét: “Ông Lê Văn Thiệu không chỉ là chi hội trưởng nhiệt tình, gương mẫu tham gia công tác xã hội ở địa phương mà ông còn là một nông dân sản xuất giỏi, năng nổ trong sản xuất, có tính kiên trì, am hiểu tốt về khoa học kỹ thuât trồng trọt, nhạy bén với thị trường nên bố trí sản xuất các nông sản cho hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một điển hình sản xuất giỏi ở địa phương, với thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng còn lãi hơn 150 triệu đồng/năm”.