Ông Trần Thanh Hùng - Tổ trưởng Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trồng sen cho biết, Hội Nông dân thị trấn Phú Phong đề xuất với Hội Nông dân huyện Tây Sơn hỗ trợ thành lập Tổ hội nông dân nghề nghiệp trồng sen, nuôi ốc tại Chi hội khối 4 với 6 thành viên ban đầu. Tổ hội đã ra mắt và đi vào hoạt động từ năm 2023, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm tiêu thụ cho các thành viên nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tổ hội phát triển bền vững.
Mới đây, qua công tác vận động, Tổ hội trồng sen, nuôi ốc khối 4, thị trấn Phú Phong tiếp tục phát triển thêm số thành viên nữa tham gia tổ hội, liên kết phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Một tín hiệu vui nữa là Hội Nông dân thị trấn Phú Phong cũng đã lập dự án vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Tây Sơn với số tiền 300 triệu đồng và đã giải ngân hỗ trợ cho 6 thành viên trong tổ hội, mỗi thành viên 50 triệu đồng để có thêm nguồn lực cho tổ hội tiếp tục triển khai thực hiện mô hình trồng sen, nuôi ốc ở địa phương.
Hiện nay, các thành viên của tổ đã phát triển diện tích trồng sen lên 1 ha mặt nước trồng sen với giống sen hồng Đồng Tháp. Giống sen hồng Đồng Tháp do ông Trần Thành Hùng trước đây đi tham quan trực tiếp và mua giống sen này về trồng và nhân rộng ra ở khối 4, thị trấn Phú Phong.
Còn giống ốc mà các thành viên trong tổ hội khối 4, thị trấn Phú Phong thả nuôi và giống ốc bươu đen bản địa ( ở địa phương còn gọi là giống ốc Ngựa ) đã thích nghi, phát triển rất tốt với thời tiết khí hậu và thỗ nhưỡng ở quê hương và có tiếng thơm, ngon khi chế biến thành các món ăn như món ốc gác bếp, ốc chiên giòn, ốc hấp mắm gừng, chả ốc gói lá chuối.
Ông Nguyễn Phúc Thành - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Phong, chi sẻ : “ Anh Trần Thanh Hùng đã đầu tư 6 sào mặt nước để trồng sen, nuôi ốc, xây dựng thêm nơi chế biến ẩm thực, nơi đón tiếp khách tham quan, thưởng thức món chả ốc đặc sản của anh làm ra. Từ đó hình thành nên điểm dịch vụ tham quan mang tên “ Trại ốc bươu đen - Trần Hùng”.
Điểm dịch vụ tham quan của anh Hùng khai trương trong dịp tết Quý Mão 2023 đã thu hút khá đông du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Nhờ nắm bắt nhu cầu nhanh, điểm dịch vụ của anh Hùng trở thành điểm du lịch mới ở thị trấn Phú Phong. Cùng với bán ốc giống, ốc thịt thương phẩm, làm các món ốc đặc sản, anh Hùng còn nhận phục vụ hoa sen hồng tươi cắm bình, làm gỏi ngó sen, bán giống sen, chè sen, nhận đặt hàng kết cổng hoa cưới, lễ tết, sinh nhật, nhờ vậy gia đình anh có doanh thu cả trăm triệu đồng/ năm.
Nói về thu nhập từ nuôi ốc thương phẩm của các thành viên trong trong tổ hội, anh Trần Thanh Hùng - Tổ trưởng tổ trồng sen, nuôi ốc khối 4, cho hay : “Hiện nay, cứ mỗi buổi sáng mỗi thành viên trong tổ hội này thu hoạch được bình quân 4 kg ốc thịt, bán cho thương lái đến tận ao mua với giá 70.000 đồng/ kg”.
“Trong thời gian tới, tổ hội trồng sen, nuôi ốc khối 4, thị trấn Phú Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất, kết nạp thêm thành viên mới, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các tổ hội nghề nghiệp bạn trong và ngoài huyên Tây Sơn để học hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật và các biện pháp canh tác mới nhằm hoàn thiện quy trình canh tác, xây dựng mô hình trồng sen, nuôi ốc với năng suất và chất lượng cao hơn nữa. Các thành viên nghiên cứu đầu tư thêm cho mô hình và điểm dịch vụ của mình, bởi tin rằng quê hương Anh hùng Áo vải Cờ đào sẽ ngày càng có nhiều du khách khắp nơi đến tham quan ” - Anh Trần Thanh Hùng cho biết thêm.
Qua 10 năm thực hiện Đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp của nông dân, đến nay Hội Nông dân huyện Tây Sơn đã xây dựng được hơn 69 chi hội nghề nghiệp, hơn 95 tổ hội nghề nghiệp và hơn 59 tổ hợp tác trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân trong sản xuất và đời sống.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cho biết : Xây dựng và phát triển các loại hình kinh tế tập thể theo Đề án 24 của Trung ương Hội ở địa bàn Tây Sơn, đây là một trong những hoạt động nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tạo tiền đề để nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức hội cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt trong phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Tiêu biểu các điểm sáng như Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò chất lượng cao ở xã Tây Vinh, Tổ hội nghề nghiệp trồng cây có múi xã Tây Xuân và Tổ hội nghề nghiệp trồng sen, nuôi ốc ở khối 4, thị trấn Phú Phong.
Để phát triển hiệu quả hơn nữa mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác của nông dân, thời gian tới Hội phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để bà con áp dụng nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó Hội tạo nguồn vốn vay để hỗ trợ cho bà con có vốn đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập. Ngoài ra, Hội tạo sự liên kết, phối hợp giữa các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác của nông dân giao lưu với nhau, chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để cùng nhau phát triển.