Hội Nông dân tỉnh Bình Địnhhttps://hoinongdanbinhdinh.org.vn/uploads/chu-hnd.png
Thứ hai - 21/04/2025 09:43
Đến nay, giữ vai trò là chi hội trưởng nông dân 21 năm liền, ông Nguyễn Văn Hiệu, 65 tuổi ở thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn luôn là người năng động, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiệt tình hỗ trợ giúp cho hội viên nông dân ở địa phương được nhiều việc hữu ích, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Hiệu (người đứng hàng sau) trao đổi tình hình sản xuất đậu phụng với hội viên Phạm Văn Thọ ở xóm 2, thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn.
Trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, công việc của ông Hiệu hỗ trợ nhiều nhất cho hội viên nông dân ở địa phương là phối hợp tổ chức các dịch vụ nông thôn, nhất là đưa đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến cho nhiều người để họ có thêm điều kiện thuận lợiđầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập.
Cụ thể, ông Hiệu tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ, ủy thác cho Hội Nông dân làm tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến nay tổ vay vốn do ông làm tổ trưởng đã có dư nợ hơn 10 tỷ đồng và phát triển nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã hơn 5 tỷ đồng, bình quân mỗi nông hộ vay từ 50 triệu đồng - 100 triệu đồng/ lượt.
Một cách hỗ trợ hiệu quả khác, đó là ông Nguyễn Văn Hiệu tập hợp nhóm hội viên cùng sở thích nuôi bò sinh sản hoặc cùng canh tác cây đậu phụng để tổ chức mở lớp tập huấn, đào tạo nghề hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò, thâm canh cây đậu phụng theo phương thức học lý thuyết kết hợp với thực hành. Bà con học xong kỹ thuật nghề, ông hỗ trợ cho học viên, mỗi người vay một ít vốn kha khá để mua giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp tập trung sản xuất.
Ngoài ra, ông còn phối hợp với công chức Địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã và HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Bình Thuận đưa các khâu dịch vụ như khai thác nguồn nước tưới cho cây trồng, làm đất, quy hoạch sản xuất hàng hóa, cung ứng các giống lúa, giống đậu phụng năng suất cao, giống cây lâm nghiệp, phân bón, vật tư nông nghiệp …
Nhờ vậy, ngoài trồng cây lúa, hội viên nông dân thôn Thuận Nhứt áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các nguồn vốn vay để mở hướng đầu tư phát triển cây hoa màu và chăn nuôi, trong đó cây đậu phụng là cây trồng được đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích nhiều nhất với diện tích toàn xã Bình Thuận đã tăng hơn 1.000 ha/ vụ.
“Có vốn hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp và từ sản xuất trồng cây lúa, cây đậu phụng, cây keo lai và chăn nuôi bò sinh sản đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khá hơn so với trước” - ông Phạm Văn Thọ, nông dân xóm 2, thôn Thuận Nhứt, xã Bình Thuận chia sẻ .
Nói về ông Nguyễn Văn Hiệu, ông Tạ Văn Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thuận nhận xét : “Chi hội nông dân thôn Thuận Nhứt do ông Hiệu làm chi hội trưởng, làm việc bài bản, có chất lượng, hiệu quả. Hàng tháng duy trì sinh hoạt hội viên, sinh hoạt tổ vay vốn rất đều. Vừa là chi hội trưởng nông dân, vừa là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Hiệu rất năng nổ, nhiệt tình hỗ trợ giúp nông dân mang lại hiệu quả cao. Với những thành tích đạt được, ông Hiệu được Đảng ủy xã, UBND xã Bình Thuận và Hội Nông dân các cấp tặng giấy khen, bằng khen”.
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn (16/5/1955-16/5/2025)