Năm 2025, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch và đang triển khai mô hình nông dân tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2025 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh; xây dựng thêm nhiều mô hình bảo vệ môi trường, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường vùng nông thôn.
Đồng chí Đỗ Thiện Chế - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, chia sẻ: Mục đích của các hoạt động này trong năm 2025 là các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, tiếp tục tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, của Hội về công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Các hoạt động đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và cộng đồng được sống trong môi trường Xanh - Sạch - Đẹp – An toàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương bền vững.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh đa dạng hóa các hình thức truyền thông, cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho cán bộ, hội viên nông dân nhất là ở cơ sở, vận động từ bỏ thói quen vứt xác động vật, túi nilon, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở để vận động hội viên nông dân sản xuất kinh doanh theo hướng gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.
Mới đây, trong tháng 4 năm 2025, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Sơn và UBND xã Tây Bình tổ chức ra mắt mô hình bảo vệ môi trường: Tuyến đường tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” tại thôn An Chánh, xã Tây Bình.
Tuyến đường có chiều dài một cây số, đáp ứng các tiêu chí xây dựng mô hình, gồm: tiêu chí sáng: Chọn tuyến đường đã có hệ thống chiếu sáng về đêm, tiêu chí xanh: trồng cây xanh dọc tuyến đường; khuyến khích trồng các loại cây cho bóng mát, có hoa và có giá trị kinh tế cao; như bằng lăng tím, lim xẹt, giáng hương, gõ đỏ, cẩm lai, tiêu chí sạch: Không có rác thải, chất thải và đồ dùng, phương tiện vật dụng khác để rơi vải trên tuyến đường và tiêu chí đẹp: các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp được thực hiện đồng bộ, cân đối, bảo đảm vẻ mỹ quan.
Cùng loại mô hình bảo vệ môi trường như huyện Tây Sơn, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân TX Hoài Nhơn xây dựng tuyến đường tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” tại phường Tam Quan Nam. Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Hội Nông dân huyện Hoài Ân và UBND xã Ân Phong xây dựng mô hình phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu: Trồng ổi an toàn trong nhà lưới với quy mô diện tích 400 m2.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong tình hình hiện nay tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Vĩnh Thạnh, Tuy Phước, Thị xã An Nhơn và Thành phố Quy Nhơn với 80 học viên/ lớp.