Hội Nông dân tỉnh Bình Địnhhttps://hoinongdanbinhdinh.org.vn/uploads/chu-hnd.png
Thứ ba - 25/03/2025 08:35
Cây dừa từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân tỉnh Bình Định nói chung và thị xã Hoài Nhơn nói riêng. Với diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh lên tới gần 2.889 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các phường Hoài Thanh Tây, Tam Quan Nam, Hoài Xuân,…, cây dừa không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Mô hình thâm canh cây dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ là giải pháp cần thiết để phục hồi và phát triển vườn dừa trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn
Tuy nhiên, việc phát triển bền vững cây dừa của thị xã Hoài Nhơn đối diện với không ít thách thức, từ việc năng suất thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định cho đến những vấn đề về kỹ thuật canh tác. Ngoài ra, giá cả dừa thương phẩm cũng không ổn định do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan như thị trường tiêu thụ biến động, thời tiết thay đổi bất thường,... Những yếu tố này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân, cũng như chất lượng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến, dẫn đến tình trạng không đủ nguồn dừa để cung cấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến.
Nhằm giải quyết triệt để những vấn đề trên, trong những năm gần đây thị xã Hoài Nhơn đã phát triển mô hình thâm canh cây dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, qua đó đã giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dừa, đem lại thu nhập ổn định và phát triển bền vững cây dừa tại địa phương.
Kỹ sư Trần Thị Kim Oanh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn cho hay: Mô hình tập trung vào việc cải thiện kỹ thuật chăm sóc và bón phân cho cây dừa theo quy trình hữu cơ, giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng quả dừa. Theo đó các hộ dân đã được hướng dẫn và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, chú trọng vào việc bón phân theo “bốn đúng”: đúng lúc, đúng loại, đúng lượng và đúng cách. Đặc biệt, việc sử dụng phân hữu cơ không những giúp cây dừa hồi phục nhanh chóng mà còn hạn chế tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu ô nhiễm đất và nước.
Hướng dẫn hộ HVND cách đào rãnh bón phân để cải tạo vườn dừa có hiệu quả
Anh Lý Thanh Hòa phường Hoài Thanh Tây, cho biết: Cây dừa chủ yếu được trồng phân tán trong các hộ gia đình, phần lớn là các vườn dừa đã trồng lâu năm, đến nay đã trở nên già cỗi. Công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ vườn dừa còn hạn chế, chủ yếu dựa vào những phương thức canh tác truyền thống. Mặc dù cây dừa đã được trồng rộng rãi, nhưng năng suất thu hoạch chỉ đạt trung bình từ 25-30 quả/cây/năm. Việc bón phân và chăm sóc cây dừa không được quan tâm đúng mức, khiến chất lượng quả dừa không ổn định và tỷ lệ sâu bệnh hại vẫn còn cao. Từ khi áp dụng các biện pháp canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, cây dừa phát triển tốt hơn, cho quả nhiều hơn và tỷ lệ sâu bệnh hại ít hơn so với trước đây.
Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh theo tiêu chuẩn hữu cơ, cây dừa phát triển mạnh mẽ, các đối tượng sâu bệnh hại như bọ dừa, bệnh đốm lá, sâu nái… được kiểm soát tốt hơn nhờ các biện pháp phòng trừ sinh học và thủ công. Các biện pháp vệ sinh gốc, ngọn dừa, tưới nước giữ ẩm và hỗ trợ dinh dưỡng cũng giúp cây dừa có sức đề kháng tốt, hạn chế hiện tượng nứt trái và rụng trái non. Đặc biệt, buồng hoa ra nhiều hơn và tỷ lệ đậu quả cũng cao hơn, chứng tỏ cây dừa đang ở trạng thái sinh trưởng thuận lợi. Nhờ vậy, năng suất quả đã tăng lên rõ rệt, bình quân mỗi cây dừa đạt 65 quả/năm, cao hơn 25 quả so với vườn dừa truyền thống, tức tăng 62,5%. Lợi nhuận bình quân đạt 311 - 351 triệu đồng/1.000 cây/năm, cao hơn 71 - 81 triệu đồng/1.000 cây/năm (tăng hơn 25,4%) so với vừa dừa truyền thống. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc áp dụng thâm canh hữu cơ, với sự đầu tư chăm sóc tốt, đã mang lại năng suất cao và cải thiện chất lượng quả.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ trong thâm canh cây dừa không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn mang lại những tác động tích cực đến môi trường và cộng đồng. Người nông dân biết quan tâm đầu tư chăm sóc bảo vệ cây dừa bằng nguồn phân bón hữu cơ không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, giúp vườn dừa hồi phục dinh dưỡng, tăng tuổi thọ, tăng sức đề kháng, tỷ lệ các đối tượng sâu bệnh thường gây hại ít, cây dừa cho năng suất cao, tăng thu nhập cho nông dân. Từ những vườn dừa hàng chục năm tuổi bỏ hoang, thì giờ đây người dân thị xã Hoài Nhơn đã thay đổi phương thức canh tác, chuyển sang trồng dừa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, nhờ vậy từng bước làm hồi sinh và phát triển bền vững cây dừa, giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu./.