Tại đây, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây dừa theo các nguyên tắc chung của TCVN 11041 – 1:2017 về nông nghiệp hữu cơ; kỹ thuật chọn giống, trồng với mật độ phù hợp, bón phân, chăm sóc, tưới nước,.... Đồng thời, hướng dẫn các hộ nông dân cách nhận diện các loại sâu, bệnh hại chính trên cây dừa; các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, phòng và trị một số bệnh thường gặp theo hướng an toàn, hữu cơ.
Lớp tập huấn nhằm giúp các hộ nông dân tiếp cận phương thức canh tác mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang sản xuất hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích phát triển cây dừa. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, canh tác hiện đại tiên tiến, chú trọng phát triển cây dừa theo hướng hữu cơ. Qua đó, diện tích trồng dừa đã được mở rộng với năng suất, chất lượng cao, biến cây dừa thành một loại cây chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Tính đến năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 9.352,6 ha dừa, với sản lượng đạt 124.976,3 tấn, tăng 1,6% (+1.909,4 tấn) so với năm 2023, giá dừa ở mức cao nên thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể./.