Nhằm chung tay, góp phần làm giảm thiểu những tác hại từ những nguy cơ, thách thức đó, những năm qua Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả về bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực triển khai bảo vệ môi trường
Trong thời gian từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 8 năm 2024, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng (CCRD) đã triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường để hỗ trợ thúc đẩy thực thi chính sách về bảo vệ môi trường. Đây là hướng đi mới trong các hoạt động phối hợp của Hội Nông dân tỉnh Bình Định trong bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững ở các địa phương trong tỉnh.
Thỏa thuận hợp tác này đặt mục tiêu chính đạt được là thông qua sự hỗ trợ để thúc đẩy thực thi chính sách về bảo vệ môi trường thông qua những hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng và nâng cao năng lực quản trị môi trường ở Hội Nông dân các cấp trong tỉnh.
Ngoài việc hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) và các cơ quan, đơn vị chức năng khác và chính quyền các cấp tổ chức các hội nghị truyền thông, tập huấn hướng dẫn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp Nhà nước về mục đích ý nghĩa của hoạt động bảo vệ môi trường, các cấp Hội Nông dân tỉnh còn quan tâm hỗ trợ kỹ thuật và thiết bị để các xã xây dựng nông thôn mới xây dựng các mô hình thí điểm ở địa phương, gồm các mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ”, Mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường biển ” và Mô hình “Bóng mát đường quê”.
Niềm vui từ thành quả các mô hình hợp tác
Trong các năm 2023 và năm 2024, các xã Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Hưng thuộc huyện Tuy Phước và các xã Cát Tài, Cát Minh thuộc huyện Phù Cát được Hội Nông dân tỉnh chọn làm điểm và đã thực hiện thành công, đưa vào sử dụng mô hình “Vườn xanh - Nông dân tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón hữu cơ ”, mỗi xã thực hiện 01 mô hình này với 50 hộ hội viên nông dân tham gia.
Các hộ được hỗ trợ thùng ủ HDPE 120 lít, chế phẩm sinh học, hỗ trợ 60% kinh phí mua thùng thùng ủ, 02 đợt men vi sinh, tập huấn, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Mô hình này đã làm cho nông dân ở địa phương thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình. Ngoài ra, việc xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học trong mô hình còn giúp cho người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng vừa đảm bảo sức khỏe, vừa giảm lượng rác thải phải thu gom ở địa phương, chỉnh trang vườn nhà xanh, sạch, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa và túi ni lông dùng một lần.
Bên cạnh mô hình “Vườn xanh ”, Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng còn triển khai hiệu quả mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường biển” và mô hình “Bóng mát đường quê”.
Mô hình “Chung tay bảo vệ môi trường biển” được thực hiện ở xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn với 80 hộ hội viên nông dân tham gia. Các thành viên trong mô hình được hỗ trợ công cụ, phương tiện như sàng rác, thùng rác để triển khai mô hình và được tuyền thông về bảo vệ môi trường và phân loại rác thải. Địa phương đã thành lập 2 tổ tự quản và trang bị 5 thùng chứa rác, 5 khung lưới sắt chứa rác thải nhựa tái chế, 10 cái cào rác trên bãi biển. Các tổ tự quản này thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, bảo vệ môi trường dọc 2 tuyến kè biển Lý Hòa - Lý Chánh và Lý Hưng - Lý Lương.
Mô hình “Bóng mát đường quê” được thực hiện ở 6 thôn thuộc xã Cát Minh, huyện Phù Cát với 8 tuyến đường được trồng cây xanh. Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng và Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 2.000 cây bàng, hội viên nông dân địa phương đối ứng ngày công đào hố, bón phân và chăm sóc hàng cây xanh. Từ khi có hàng cây xanh, tình trạng vứt rác bừa bãi, thả rông gia súc, gia cầm trên các tuyến đường nông dân tự quản này đã giảm hẳn.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng, sau hơn 1 năm thực hiện hai bên đã tổ chức hội nghị tổng kết và thống nhất tiếp tục hợp tác trong thời gian tới.
Đồng chí Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “ Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Y tế Cộng đồng về đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Sau khi có chương trình thúc đẩy thực thi chính sách về bảo vệ môi trường của Hội Nông dân tỉnh đưa về các địa phương cấp huyện và cấp cơ sở, nhận thức của người dân nói chung và cán bộ, hội viên nông dân nói riêng về bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng được tăng cường nâng cao và lan tỏa rộng hơn. Việc đưa chính sách và tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường này đã góp phần, chung tay thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ”.