Biến đất hoang thành trang trại xanh
Gia đình ông Nguyễn Thanh Ưng là một trong những hộ dân đầu tiên đến vùng kinh tế mới La Vuông lập nghiệp. Những ngày đầu, ông phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, như đất đai cằn cỗi, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Tuy nhiên, không cam chịu nghèo khó, ông đã từng bước khai hoang, cải tạo, biến khu đất hoang hóa thành một trang trại xanh tốt.
Hiện nay, khu vườn của ông có diện tích khoảng 3ha, thuận lợi để phát triển mô hình Vườn – Ao – Chuồng – Rừng (VACR). Nhận thấy tiềm năng đất đai, khí hậu phù hợp, ông đã học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình nông nghiệp khác nhau, đồng thời nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Hội Nông dân và chính quyền địa phương để xây dựng trang trại.
Năm 2020, ông Nguyễn Thanh Ưng quyết định đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Với lợi thế có con suối Cái chảy qua khu đất, ông đào hai ao cá rộng 700m², thả nuôi các loại cá như trắm, trê, rô phi. Nhờ nguồn nước tự nhiên, cá phát triển tốt, ít bệnh, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Trong tương lai, ông dự định mở rộng diện tích để nuôi cá lăng – một loại cá có giá trị kinh tế cao hơn.
Bên cạnh đó, ông triển khai mô hình chăn nuôi hữu cơ với quy mô lớn, như nuôi 1.500 con gà thả vườn, vừa giúp kiểm soát côn trùng gây hại, vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên. 10 con heo rừng và 10 con heo thịt được nuôi thả tự nhiên, đảm bảo thịt sạch, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng.
Trên diện tích 2ha, ông trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi, thanh long theo phương pháp canh tác hữu cơ. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp, cây trồng phát triển tốt, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Ưng hơn 200 triệu đồng.
Kết hợp nông nghiệp với du lịch trải nghiệm
Không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, ông Ưng nhận thấy tiềm năng lớn từ du lịch trải nghiệm nông trại. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, suối nước trong lành, không khí thoáng đãng, ông quyết định kết hợp mô hình VACR với dịch vụ du lịch sinh thái.
Bước đầu, ông đã triển khai mô hình vườn hoa, tạo không gian cho khách tham quan, chụp ảnh. Bên cạnh đó, ông còn cung cấp các dịch vụ trải nghiệm hấp dẫn như khu cắm trại, đốt lửa trại. Tại đây, du khách có thể tự mang đồ hoặc thuê thiết bị từ trang trại. Các món ăn đặc sản từ trang trại như gà nướng, cá suối, rau sạch,… cũng mang đến cho khách hàng những bữa ăn an toàn, tươi ngon.
Không chỉ thế, du khách còn được trải nghiệm thu hoạch nông sản, tham gia hái rau, thu hoạch trái cây, câu cá... giúp họ có những trải nghiệm chân thực về cuộc sống nhà nông.
Nhờ cách làm mới mẻ này, trang trại của ông bước đầu đã thu hút khách du lịch, vừa tăng thêm nguồn thu nhập, vừa quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng.
Dù đã đạt được những thành công bước đầu, ông Ưng vẫn gặp một số khó khăn. “Tôi rất muốn đầu tư bài bản hơn cho mô hình này, bởi thấy tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn và quảng bá. Tôi hy vọng chính quyền địa phương có thể hỗ trợ thêm về chính sách vay vốn ưu đãi và kết nối các đơn vị du lịch để mô hình phát triển tốt hơn”, ông Nguyễn Thanh Ưng bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Sơn, cho biết: “Mô hình VACR kết hợp du lịch trải nghiệm của gia đình ông Nguyễn Thanh Ưng đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân tại địa phương. Nếu được đầu tư và phát triển bài bản, mô hình này không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đóng góp tích cực vào phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Hướng đến, bên cạnh việc giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn du khách, nấu ăn, tổ chức hoạt động trải nghiệm. Kết nối nông dân với các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm thực tế. Qua đó, giúp nông dân khai thác du lịch bền vững, giữ gìn bản sắc địa phương”.
Thực tế cho thấy, nông nghiệp kết hợp du lịch đang trở thành xu hướng tất yếu, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với phương thức sản xuất truyền thống. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức liên quan, mô hình của ông Nguyễn Thanh Ưng sẽ tiếp tục phát triển, trở thành mô hình điểm để nhiều nông dân khác học hỏi, nhân rộng.