Chị Đinh Thị Hương, ở thôn 4, xã An Hưng đang tập trung nhân lực trồng mới 2ha keo. “Mùa trồng rừng chính bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hằng năm. Ngay sau khi khai thác vụ keo trước, gia đình tôi chủ động phát dọn thực bì, đào hố và chuẩn bị các vật tư lâm nghiệp khác để bắt tay trồng rừng vụ mới. Nhờ cây keo mà đời sống kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn”, chị Hương chia sẻ.
Những cánh rừng ở các xã An Trung, An Dũng cũng đang rất nhộn nhịp. Người dân mở đường để vào khai thác cây đến tuổi, hay phát dọn thực bì để vào vụ trồng mới. Vì vậy, trên con đường dốc nhỏ, lầy lội, các loại xe tải, xe máy rồi cả gùi rủ nhau mang keo lớn, keo nhỏ ra vào rừng tấp nập. Thậm chí, vợ chồng anh Đinh Văn Dui, ở thôn 8, xã An Trung còn dự định sẽ ở lại rẫy vài ngày để đẩy nhanh tiến độ trồng 20 nghìn cây con cho lứa keo mới.
Lý giải sự khẩn trương này, anh Dui cho rằng vào thời điểm này, tiết trời dịu nhẹ, lại thường có mưa nên nền đất mềm, keo trồng đạt tỷ lệ sống cao mà chủ rừng cũng được lợi công. Có lẽ với tính toán trên nên trước khi rẫy keo được khai thác, nhiều hộ đã làm sạch rừng bằng cách phát dọn thực bì, cây dại; đồng thời áp dụng phương châm “keo hạ đến đâu, vệ sinh đến đó” để ngay khi cây lớn vừa được giải phóng thì cây con cũng bắt đầu bám đất.
Thống kê cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện An Lão trồng hơn 700 ha keo. Để đáp ứng nhu cầu cây giống trong vụ trồng rừng mới, nhiều tháng qua, các doanh nghiệp, chủ vườn ươm, cơ sở sản xuất giống đã tập trung sản xuất, mở rộng diện tích ươm giống để cung cấp cho thị trường.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân phối hợp cùng hạt kiểm lâm huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân khai thác có hiệu quả đất trống đồi núi trọc để trồng rừng keo, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp gắn với quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở Hội triển khai hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn để mang lại giá trị kinh tế bền vững hơn.