Đang vào mùa thu hoạch quế, nên người dân trồng quế ai cũng tất bật. Người thì lên rẫy lột vỏ quế, người tranh thủ trời nắng để phơi quế bán cho thương lái. Hiện vỏ quế tươi có giá từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, quế khô 40 - 45 nghìn đồng kg.
Sau một buổi lên rẫy thu hoạch, ông Đinh Văn Cư, ở thôn 1, xã An Toàn mang về gần 20 kg vỏ quế để bán cho thương lái. Ông Cư phấn khởi cho biết, gia đình ông có hơn 1.000 cây quế, trong đó có khoảng 600 cây đã đủ tuổi thu hoạch, với giá quế như hiện nay, vụ này ước tính ông sẽ thu về vài chục triệu đồng.
Theo ông Cư, giá quế hiện nay thấp hơn so với năm ngoái nên lợi nhuận từ cây quế mang lại không cao cao. “Các năm trước giá quế tươi có thời điểm lên đến 20 - 25 nghìn đồng/kg, người dân trồng quế ai cũng phấn khởi”, ông Cư chia sẻ.
Mặc dù giá quế năm nay thấp hơn kỳ vọng, nhưng người dân vẫn vui vì nguồn thu ổn định từ cây quế. “Từ đầu mùa đến nay, tôi đã thu hoạch vỏ quế bán cho thương lái được gần 20 triệu đồng. Nhờ có tiền bán quế mà tôi có thể trang trải cuộc sống. Hiện, gia đình tôi còn hơn 600 cây quế đến tuổi thu hoạch. Hy vọng trong thời gian tới, giá quế tăng cao hơn để người dân chúng tôi có thêm nguồn thu nhập”, chị Đinh Thị Hương, ở thôn 2, An Toàn chia sẻ với nụ cười hạnh phúc.
Ở An Toàn, thời gian thu hoạch quế bắt đầu từ tháng tư đến tháng tám. Trong khoảng thời gian này, vỏ quế dễ bóc và có nhiều tinh dầu, vì vậy công việc thu hoạch quế cần khẩn trương, bởi trái vụ, vỏ quế sẽ dính chặt vào thân rất khó bóc.
Cùng với các loại cây trồng khác, quế là một trong những cây trồng chủ lực của bà con nông dân xã An Toàn, huyện An Lão. Hầu như các hộ gia đình đồng bào nhà nào cũng trồng quế. Cây quế đã trở thành nguồn lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Nhờ trồng quế mà không ít hộ dân ở đây thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Theo thống kê, toàn xã An Toàn hiện có khoảng 180ha diện tích trồng quế. Nhận thấy hiệu quả từ cây quế, người dân An Toàn đã tận dụng mọi địa hình, quỹ đất trống để trồng, diện tích cây quế trên địa bàn xã đang ngày càng mở rộng và dần trở thành cây trồng chủ lực tại địa phương trong giảm nghèo.
Ông Lê Minh Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, cho biết: Khi bắt đầu phát triển cây quế, chúng tôi không nghĩ diện tích cây quế lại phát triển nhanh đến vậy. Thấy có hiệu quả kinh tế cao nên bà con cũng chỉ cho nhau nhân rộng mô hình trồng quế đến tất cả thôn trong xã để cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Để liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trồng quế, Hội cũng đã thành lập 01 Chi hội nghề nghiệp trồng cây quế với 26 hộ tham gia./.