Được biết, toàn huyện An Lão có diện tích rừng trồng 22.427,5 ha, mỗi năm luân chuyển trồng mới hơn 1.300 ha. Trong năm 2024, toàn huyện trồng mới 11.319 ha, đạt 101,46 % KH; thu hoạch hơn 30.000 m3 gỗ rừng trồng. Đây cũng là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ trên địa bàn huyện.
Được biết, từ tháng 8 năm 2024 đến nay, các nhà máy đã có nhiều đợt điều chỉnh giá thu mua keo, tăng từ 980 nghìn đồng/tấn lên 1.300 nghìn đồng/tấn. Giá gỗ keo nguyên liệu tăng, sức mua mạnh, thị trường tiêu thụ ổn định khiến người trồng keo phấn khởi.
Gia đình ông Đinh Văn Phưa, ở thôn 5, xã An Quang có gần 8 ha keo trồng từ năm thứ 2 đến năm thứ 4. Đầu năm 2025, ông Phưa khai thác 1 ha, thu được 130 tấn gỗ keo, bán với giá 1,2 triệu đồng/tấn, tăng gần 200 nghìn đồng/tấn so với năm trước, mang lại cho gia đình ông 90 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Được biết, chu kỳ khai thác keo chỉ cần 3 - 5 năm là có thể cho thu hoạch đạt năng suất. Thời gian qua, giá thu mua keo liên tục tăng, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên cây keo được nhiều thương lái hỏi mua. Trong suốt chu kỳ 5 năm, đầu tư cho 1 ha rừng keo hết khoảng 20 triệu đồng. Cứ trồng 1 ha keo lai, sau 5 năm sẽ cho năng suất từ 80 - 100 tấn/ha, nếu rừng keo nào được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất 120 - 150 tấn/ha. Với giá bán bình quân khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng rừng có lãi bình quân khoảng 80 - 130 triệu đồng/ha.
Ông Đinh Văn Lớ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Giá keo tăng là tín hiệu vui cho nông dân, nhưng điều này cũng kéo theo tình trạng nông dân thu hoạch keo non, khai thác cả những cánh rừng chưa đủ tuổi. Việc bán keo non về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng gỗ rừng trồng. Thực tế cho thấy, chủ rừng là người quyết định thời gian thu hoạch, nhưng chất lượng gỗ nguyên liệu, giá trị của ngành kinh tế rừng lại là vấn đề cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và địa phương.
Trong thời gian đến, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ những thiệt hại khi bán keo non. Đồng thời vận động người dân trồng keo xen kẽ với trồng rừng gỗ lớn để vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp phần phát triển nghề rừng theo hướng hiệu quả, bền vững.