Hiệu quả mang lại
Hơn 5 năm qua, anh Nguyễn Minh Khiêm ở thôn Trinh Vân Nam, xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ đã sử dụng các mạng xã hội (MXH) như: Zalo, Facebook làm kênh mua bán các loại hoa lan. Theo anh Khiêm, ban đầu, vườn lan của gia đình anh chủ yếu trồng để chơi và cung ứng cho khách chơi lan ở địa phương. Về sau, lượng khách hàng ngày càng đông nên anh mở rộng cơ sở sản xuất, nhân giống thêm nhiều loại hoa lan khác, và tập tành bán hàng qua MXH. Hiện mỗi đêm, cơ sở của anh Khiêm bán được trên 10 chậu hoa lan, với giá bán bình quân hơn 300.000 đồng/chậu, mỗi tháng anh thu nhập gần 100 triệu đồng.
Anh Khiêm cho biết: "Việc bán hàng qua MXH thuận lợi hơn so với cách bán hàng truyền thống. Chúng tôi có thể chủ động đơn hàng và có thêm nhiều khách hàng mới. Tuy nhiên, bán hàng qua MXH yêu cầu mình phải tự làm thêm các khâu tuyển chọn, đóng gói và giao hàng. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm cũng phải được đảm bảo, nhưng hư hại do quá trình vận chuyển được đổi trả kịp thời, đảm bảo uy tín của cơ sở".
Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân - là đơn vị chuyên nhận bao tiêu sản phẩm của người dân để cung ứng cho các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch, đưa nông sản lên sàn TMĐT. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm.
Ông Lê Quốc Lập, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết: “Thời gian đầu, HTX chưa nắm bắt quy trình bán hàng, quảng bá nên gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, HTX đã tích cực tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm đối tác. Ngoài việc phân phối thông qua kênh truyền thống, HTX còn đẩy mạnh việc bán hàng qua MXH, đưa sản phẩm lên sàn TMĐT. Với việc buôn bán hàng qua hệ thống mạng đã giúp sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, không chỉ ở khu vực miền Trung mà ngay cả các tỉnh, thành miền Nam và miền Bắc.
Được biết, toàn huyện Hoài Ân có 41 sản phẩm OCOP và 8 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT. Huyện cũng đang tập trung phát triển vùng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ tiến tới sản phẩm hàng hóa chất lượng và cấp mã số vùng trồng.
Để đưa những nông sản trên địa bàn ra thị trường, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân đã liên kết tiêu thụ với các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đưa nông sản lên sàn TMĐT Postmart (nay là sàn TMĐT Buudien.vn) và bán sản phẩm trên sàn giao dịch này.
Thay đổi tư duy người bán hàng
Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh có 217 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 6 sản phẩm 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Ông Đỗ Thiện Chế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Với vai trò cầu nối, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông sản, Hội Nông dân tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025. Trong năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ 5.123 hộ nông dân có tài khoản giao dịch trên sàn TMĐT.”.
Tuy nhiên, việc đưa nông sản lên sản TMĐT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất khiêm tốn. Việc chậm tiếp cận, thay đổi phương thức kinh doanh mới đang là rào cản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hiện nay. Do đó, để nông sản tỉnh nhà ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên các sàn TMĐT, cần có sự thay đổi nhận thức của nông dân trong việc bán hàng qua sàn TMĐT.
Từ thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức trong nông nghiệp; vận động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; phối hợp với Bưu điện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ hàng nông sản chất lượng của nông dân lên sàn TMĐT. Trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 4 lớp tập huấn, kỹ năng kinh doanh trên môi trường trực tuyến; giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT cho hơn 320 cán bộ, hội viên trên địa bàn huyện Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh và thị xã An Nhơn.
Việc được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT đã giúp cho nông dân dễ dàng tiếp cận công nghệ số và chủ động kinh doanh trên sàn TMĐT. Điển hình là việc bán hàng online dần trở nên phổ biến, người nông dân chuyển từ thói quen sản xuất theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.