Hội Nông dân tỉnh Bình Địnhhttps://hoinongdanbinhdinh.org.vn/uploads/chu-hnd.png
Thứ sáu - 20/12/2024 15:35
Dự án nông dân sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị “Trồng nấm sạch công nghệ cao” của ông Đỗ Đình Hòa - chủ cơ sở chuyên cung cấp giống, bịch phôi nấm và nấm thương phẩm - ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn đã được Chủ tịch Hội đồng thẩm định liên ngành Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính công nhận đạt chuẩn từ năm 2022. Mục tiêu của dự án này là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất giống, nuôi trồng, bảo quản và chế biến các sản phẩm nấm, tiếp nhận công nghệ và xây dựng cơ sở sản xuất giống và các mô hình sản xuất, chế biến nấm Linh chi và một số loại nấm khác như: nấm vân chi đỏ, nấm mèo lông, nấm bào ngư trắng, nấm bào ngư xám và nấm rơm. Sản phẩm đầu ra, gồm: nấm Linh chi, Vân chi đỏ, nấm Mèo lông, tất cả sản phẩm này được sấy khô, đóng bao bì, hút chân không, xuất bán. Sản phẩm nấm tươi gồm bào ngư trắng, bào ngư xám và nấm rơm bán cho các tiểu thương ở các chợ trong và ngoài huyện Tây Sơn.
Theo ông Đỗ Đình Hòa, bây giờ tình hình chung là vật tư đầu vào của nhà nông khá cao, trong khi giá bán nông sản lại thấp, để ổn định sản xuất, việc đầu tiên là ông Hòa tiến hành cải tiến kỹ thuật trong các khâu sản xuất nấm để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí đầu vào. Đồng thời, ông Hòa tiếp cận với các doanh nghiệp tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Việc cải tiến kỹ thuật là để tăng năng suất và việc hợp đồng liên kết tiêu thụ để yên tâm đầu tư sản xuất.
Mới đây, những cải tiến kỹ thuật mới nhất của ông Đỗ Đình Hòa là thay mới lò hấp khử trùng bịch phôi, làm giỏ đựng bịch phôi trong lò hấp, khung giá đỡ bịch phôi để cấy meo giống, thay cách treo bịch phôi trong trại chăm sóc nấm và thay nguyên liệu sản xuất nấm Linh chi từ bột gỗ cao su sang bột gỗ cây keo.
“Trong tháng 10 năm 2024, đã có một doanh nghiệp đồng ý thu mua nấm Linh chi (sản phẩm mới) do cơ sở tôi sản xuất, tôi đã bắt tay vào chuẩn bị xong các khâu để sản xuất, như: meo giống, trại treo bịch phôi, nguyên liệu và cải tiến một số kỹ thuật trong quy trình sản xuất nấm. Cùng với sản xuất nấm Linh chi, tôi vẫn duy trì sản xuất nấm bào ngư hàng ngày. Riêng mặt hàng nấm bào ngư, tôi giữ mức thu nhập ổn định bình quân 30 triệu/ tháng, sau trừ chi phí tôi có lãi ròng bình quân 300 triệu đồng/ năm. Nguồn tiền này, tôi tích lũy cùng với thu nhập khác để đầu tư sản xuất nấm Linh chi. Trại nấm Linh chi của tôi trồng trên diện tích 250 m2 với 20.000 bịch phôi. Dự kiến cho ra thành phẩm 500 kg nấm Linh chi khô, sản xuất trong thời gian 3 tháng rưỡi/vụ ” - Ông Đỗ Đình Hòa chia sẻ.
Nói về cải tiến kỹ thuật mới để trồng nấm Linh Chi, ông Đỗ Đình Hòa cho biết thêm: “Các hạ tầng kỹ thuật trong quy trình dự án sản xuất nấm ở cơ sở của tôi vẫn ổn định như trước đây, bây giờ khác là có cải tiến mới. Tôi thay lò hấp khử trùng bịch phôi nấm và một số công đoạn liên quan. Lò hấp này được làm mới bằng khung sắt (trước đây làm bằng gạch) và công suất của lò này được tăng lên gấp đôi (trước đây 2.000 bịch phôi/mẻ hấp). Cái khác nữa là, tôi làm các giỏ đựng bịch phôi bằng sắt, mỗi giỏ 10 bịch, xếp riêng biệt từng tầng, để hơi nóng khử trùng đạt tỷ lệ khử tuyệt đối 100% (trước đây xếp chồng các bịch phôi lên nhau). Khâu cấy meo giống, tôi làm thêm khung giá đỡ, khung này dành cho 2 lao động ngồi đối diện, cùng lúc cấy meo giống vào bịch phôi”.
Trong quy trình sản xuất các loại nấm, meo giống nấm là thành phần không thể thiếu được. Chất lượng của nấm tốt hay xấu phụ thuộc vào chất lượng của meo giống. Muốn làm ra meo có chất lượng cao đòi hỏi người sản xuất meo giống phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và trang thiết bị cần thiết. Trước khi có được thành công tự làm meo giống nấm, ông Hòa đã mất nhiều thời gian để học tập kinh nghiệm, tham khảo thêm sách kỹ thuật, vừa làm, vừa nghiên cứu, cải tiến để rút kinh nghiệm. Sau khi thành công, có được thành phẩm meo giống nấm đạt chất lượng, ông Hòa tiếp tục đầu tư mua sắm các thiết bị chuyên dụng cho việc sản xuất meo giống, vừa phục vụ cho khách hàng và vừa tự chủ động làm meo giống cho cơ sở sản xuất của gia đình.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn nhận xét: “Bên cạnh việc tập trung đầu tư sản xuất trong dự án chuỗi giá trị, ông Đỗ Đình Hòa còn phát huy tốt khả năng, năng lực, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có chất lượng, phục vụ hữu ích cho việc trồng các loại nấm và mới đây ông Hòa cũng đã có các cải tiến kỹ thuật mới. Các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của ông Hòa đã được Hội Nông dân tỉnh và các sở ngành công nhận và khen thưởng trong các năm vừa qua.
Hướng dẫn thực hiện về công nhận danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi các cấp theo quyết định số 1891-QĐ/HNDTW ngày 20/02/2024 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam