Theo chia sẻ của nhiều nông dân, thời điểm cây lúa sinh trưởng, đẻ nhánh mạnh cũng là thời điểm nhiều loại sâu bệnh hại xuất hiện. Nếu không kịp thời thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ kịp thời thì có thể bị ảnh hưởng, giảm năng suất vào cuối vụ.
Đang tiến hành tỉa dặm cho diện tích lúa của gia đình, bà Trần Thị Mai, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa cho biết: gia đình tôi đã hoàn thành gieo sạ gần 7 sào diện tích ruộng lúa từ cuối tháng 11. Để cây lúa phát triển tốt, tôi và nhiều nông dân trên địa bàn xã vẫn tranh thủ thăm đồng, chăm sóc lúa. Vụ đông xuân năm nay mặc dù đầu vụ có gặp đôi chút khó khăn do mưa rét nhưng đến thời điểm này nhìn chung thời tiết tương đối thuận lợi. Cây lúa phát triển tốt, đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh rất nhanh và bắt đầu đẻ nhánh.
|
Bà Trần Thị Mai, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa chăm sóc, tỉa dặm diện tích lúa đông xuân của gia đình. |
Được biết, vụ đông xuân năm nay, toàn huyện An Lão đã gieo sạ hơn 1.100 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa TH3-3, TH3-5, DV108, Nhị Ưu và các giống lúa, nếp địa phương. Thời tiết năm nay khá thuận lợi, cùng với sự chuẩn bị khá tốt các điều kiện phục vụ sản xuất như làm đất, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đảm bảo nguồn nước tưới cho đồng ruộng, chuẩn bị giống... đã tạo điều kiện cho nông dân đẩy nhanh tiến độ gieo sạ theo đúng kế hoạch.
Sau khi hoàn thành gieo sạ, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với các bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc lúa, tiến hành tỉa dặm cho diện tích lúa bị khuyết dảnh, khuyết khóm để đảm bảo mật độ, thực hiện bón phân theo đúng quy trình. Đồng thời, hướng dẫn nông dân tổ chức điều tiết nước hợp lý, tuyệt đối không để ruộng khô hạn hoặc ngập nước. Khi cây lúa đạt từ 2 - 3 lá, nông dân chủ động đưa nước láng chân, bón phân chuyên thúc cho lúa, tiến hành tỉa dặm để đảm bảo mật độ.
Ông Lê Hoàng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hiện cây lúa trà đầu đã được 30 - 35 ngày, trà sau từ 15 - 20 ngày. Đây là thời điểm cây lúa sinh trưởng mạnh. Đồng thời, các loại sâu bệnh hại như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, chuột, ốc bươu vàng… trên cây lúa cũng bắt đầu phát sinh, gây hại. Do vậy, từ nay đến sau tết nguyên đán 2024, bên cạnh đầu tư bón thúc, làm cỏ cho lúa, nông dân phải thường xuyên kiểm tra, thăm đồng, phát hiện sớm các loại sâu bệnh có thể phát sinh trên đồng ruộng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây lúa, góp phần đem lại năng suất cao vào cuối vụ.