Không có nợ quá hạn. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn không ngừng được củng cố và nâng lên, cuối năm 2023, tỷ lệ Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân thị trấn quản lý xếp loại tốt 9/9 tổ, đạt 100%.
|
Đàn bò của chị Trương Thị Phượng ở thị trấn Vĩnh Thạnh |
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát huy được hiệu quả, Hội Nông dân thị trấn đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn phải sử dụng đúng mục đích.
Theo anh Phan Thanh Bình, nhiều năm liền là tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nên anh hiểu rất rõ nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn. “Nhiều gia đình trẻ ra riêng, cha mẹ cho đất nhưng thiếu vốn, chưa thể phát triển kinh tế. Qua thông tin từ các anh, chị em trong thôn, trong thị trấn, tôi tìm đến tư vấn. Nếu họ có nhu cầu vay, thuộc đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách thì trao đổi với cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn, rồi hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn. Có tiền, các hộ trồng keo, nuôi thêm con bò, kinh tế gia đình từ đó ổn định hơn”, anh Bình chia sẻ.
Cũng nhờ tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông tin mà gia đình chị Phạm Thị Kim Quyên ở thôn Định Bình, thị trấn Vĩnh Thạnh biết được chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định 28 của Chính phủ. Sau khi đăng ký vay vốn và hoàn tất hồ sơ thủ tục, cuối năm 2022, hộ chị được ngân hàng giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Theo chị Quyên, nếu không nhờ tổ trưởng tuyên truyền, hướng dẫn, chị sẽ không thể tiếp cận thông tin về chương trình vay vốn mới nhanh đến như vậy. Với số tiền vay được, chị đầu tư hết vào trồng cây điều và keo lai. Hiện vườn điều và keo lai đang phát triển, hứa hẹn cho thu nhập tốt.
Gia đình chị Trương Thị Phượng cũng là hộ nghèo trên địa bàn thị trấn. Được Hội Nông dân thị trấn tư vấn hỗ trợ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị đã đầu tư chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đến nay, gia đình chị đã sở hữu đồi keo trên 3 ha trong đó 2 ha keo đã cho tỉa thưa và phát triển đàn bò lên 5 con.
Bên cạnh trở thành "bà đỡ” cho hộ nghèo, vốn tín dụng chính sách cũng đã tạo động lực bước đầu cho nhiều nông dân phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo sức lan tỏa trong phong trào phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.