Trước khi quyết định đưa cây mãng cầu Thái lên vườn đồi để trồng, anh Thừa đã tìm đến nhiều vườn mãng cầu tại các địa phương khác để học hỏi kinh nghiệm. Cùng với đó, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chuyển đổi cây trồng, sản xuất kinh tế vườn, trang trại, gia trại được tổ chức ở xã Tây An và cả trong và ngoài huyện Tây Sơn để làm giàu kiến thức, nắm bắt khoa học kỹ thuật mới.
Nhờ chịu khó học hỏi, anh Thừa đã nắm được kỹ thuật trồng mãng cầu Thái, quy trình chăm sóc và xử lý ra hoa, đậu trái theo ý muốn. Nhờ vậy, vườn mãng cầu của anh Thừa sinh trưởng và phát triển tốt, cho trái đạt chất lượng cao.
Theo anh Thừa, gọi là mãng cầu Thái là do loại quả này có nguồn gốc từ Thái Lan, hay còn gọi là mãng cầu dai. Cây mãng cầu Thái trồng hơn 2 năm tuổi thì bắt đầu ra hoa, cho trái. Đây là loại cây trồng chịu được hạn nhưng không chịu úng, kháng sâu bệnh tốt hơn các giống mãng cầu truyền thống ở địa phương. Ưu điểm của mãng cầu Thái là có trọng lượng trái lớn hơn gấp đôi mãng cầu địa phương. Trái mãng cầu Thái ít hạt, vỏ mỏng, hương vị thơm, ngọt đậm và có mẫu mã đẹp nên thị trường rất ưa chuộng. Vào dịp Tết, giá mãng cầu Thái có thể lên đến 80.000 – 100.000 đồng/kg, gấp đôi giá mãng cầu ta nên hiệu quả kinh tế cao hơn một số loại cây ăn quả khác.
“Tuy vườn mãng cầu Thái của gia đình tôi sinh trưởng, phát triển tốt, song đồng thời cũng dễ tạo điều kiện phát sinh sâu bệnh hại. Nhất là giai đoạn mang trái, cây thường xuất hiện rệp sáp trắng và sâu đục trái gây hại. Vì vậy, tôi chú trọng bao từng trái để đảm bảo mẫu mã đẹp, năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, tôi còn quan tâm, chăm sóc đúng quy trình bón phân để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho vườn cây, bổ sung phân chuồng hoai, phân hữu cơ, hỗ trợ cho vườn cây phát huy hiệu quả. Ngoài ra,sau thời kỳ kiến thiết cơ bản vườn, bước vào thời kỳ kinh doanh và tùy theo sức khỏe của đất, sức khỏe của cây và khả năng cho trái mà tôi bổ sung dinh dưỡng đủ và đúng lúc để khai thác được tiềm năng, năng suất bền vững của vườn cây” - Anh Đào Duy Thừa cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây An, nhận xét: Mô hình trồng mãng cầu Thái của anh Đào Duy Thừa tuy rất mới ở địa phương nhưng là mô hình làm ăn kinh tế vườn đồi có tiềm năng tốt, giàu triển vọng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ để hướng dẫn hội viên học tập, áp dụng phù hợp trên địa bàn trong thời gian tới.