Một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ Drone (thiết bị không người lái) phun thuốc BVTV cho cây lúa phải kể đến xã Phước Quang. Theo ông Nguyễn Văn Ghe- PGĐ HTX Phước Quang cho biết: HTX Phước Quang áp dụng công nghệ Drone phun thuốc BVTV cho cây lúa từ năm 2021 và duy trì đến nay đã là mùa thứ tư, diện tích tăng đến nay gần 100 ha. Riêng trong 2 năm 2023 và 2024 được UBND huyện hỗ trợ 40% kinh phí, nông dân đối ứng 60% tiếp tục thực hiện mô hình này tại 2 cánh đồng lớn thuộc thôn Định Thiện Đông và thôn Văn Quang với 450 hộ nông dân tham gia. Nhờ đó chi phí cho công phun thuốc giảm đáng kể. Qua các vụ triển khai đến nay nông dân rất “hít” công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng Drone. Đây là cơ sở để giúp nông dân tiếp cận gần hơn với công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
|
Ứng dụng Drone phun thuốc BVT vật cho cánh đồng lúa thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang. |
Ông Trần Đình Hùng ở thôn Định Thiện Đông phấn khởi chia sẻ: Tôi và nhiều hộ tham gia mô hình rất hài lòng về những tiện ích mà công nghệ Drone mang lại. Tâm đắc nhất là việc trước khi triển khai phun thuốc, cán bộ chuyên môn phối hợp kiểm tra đồng ruộng, đánh giá thời điểm phát triển của cây lúa, nhận diện loại sâu bệnh còn phòng trừ, từ đó thống nhất chọn đúng loại thuốc, đảm bảo chất lượng để phun trừ. Cùng với việc phun đồng loạt trên diện rộng, sâu bệnh không có cơ hội di chuyển từ vùng này sang vùng khác nên hiệu quả diệt trừ rất tốt.
Ứng dụng Drone không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn bảo vệ sức khỏe cho người lao động, giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về da, thần kinh, ngộ độc… do tiếp xúc thường xuyên với thuốc trừ sâu gây ra trong quá trình phun theo cách thủ công, nhất là về mùa hè thời điểm phun thuốc thường nắng nóng rất nguy hiểm. Khi phun bằng drone trên cánh đồng lớn còn khắc phục được hạn chế của phun thủ công như phun trừ không đồng bộ. Không những vậy, khi sử dụng công nghệ này, thuốc pha và phun được lập trình trên máy nên chất lượng, liều lượng thuốc cũng được đảm bảo chính xác. Ngoài ra, 100% vỏ bao bì đựng thuốc BVTV sẽ được thu gom tập trung, không bị xả thải bừa bãi bao bì còn tồn dư thuốc ra đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường, nhờ đó mang lại hiệu quả rất cao cả về mặt kinh tế, kỹ thuật, môi trường và xã hội.
Thực tế cho thấy, việc tăng nhanh sử dụng Drone vào khâu phun thuốc BVTV là một trong những thành công mở ra từ việc thực hiện kế hoạch của huyện về xây dựng cánh đồng lớn - cánh đồng liên kết nhằm thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, huyện Tuy Phước đã đầu tư gần 500 triệu đồng để đưa ứng dụng Drone vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích được tiếp cận khoảng 1000 ha.
Có thể thấy việc áp dụng drone phục vụ sản xuất nông nghiệp là một bước chuyển đổi quan trọng của huyện Tuy Phước trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng. Bước đi này góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh, nâng cao hiệu quả, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho nông dân. Ông Phạm Quang Ân - Phó phòng NN và PTNT huyện khẳng định“Sử dụng Drone trong một số khâu sản xuất thay cho lao động thủ công của con người là xu hướng tất yếu khi tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô cánh đồng lớn. Mỗi năm sản xuất 2 vụ lúa, trung bình mỗi vụ phải phun trừ sâu bệnh từ 2-4 lần, do vậy nếu mở rộng diện tích sản xuất cánh đồng lớn thì có thể phát triển dịch vụ thuê Drone phun thuốc BVTV như các dịch vụ cơ giới hóa khác để vừa đảm bảo hiệu quả quản lý dịch hại, vừa bảo vệ sức khỏe con người và phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy thời gian đến, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tham mưu UBND huyện đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ 4.0 trên Cánh đồng lớn- cánh đồng liên kết, đang hướng đến những “Cánh đồng không dấu chân người” là những cánh đồng được cơ giới hoá từ làm đất gieo sạ, đến phun thuốc, quản lý dịch hại từ trên bầu trời sẽ mang đến sắc thái mới cho sản xuất nông nghiệp huyện nhà”.