Xuất thân là một thợ xây, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi kinh tế gia đình chỉ dựa vào việc trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2003, anh quyết định chuyển hướng sang phát triển chăn nuôi gà. Anh Đen kể: Ban đầu, việc nuôi gà không mấy suôn sẻ khi đàn gà 300 con gặp dịch bệnh, chếthàng loạt. Số vốn dành dụm tiêu tan, tôi chỉ biết nhìn đàn gà mà khóc. Kể từ đó tôi bắt đầu theo học các lớp nghề chăn nuôi do Hội nông dân mở. Ngày làm thợ hồ, tối về tranh thủ thời gian đi học. Không chỉ học lớp nuôi gà mà học cả các lớp nuôi trâu bò, nuôi thủy sản và một số ngành nghề khác. Thiết nghĩ mình cứ chịu khó học để đó, rồi có lúc sẽ cần”.
Chính những kiến thức cơ bản học được đã giúp anh mạnh dạn để gầy lại đàn gà và từng bước đạt thành công. Trong xu thế chăn nuôi hiện nay, rủi ro rất cao nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh. Anh Đen đã tích lũy kiến thức từ các lớp học về vắc xin và kháng sinh, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Điều này đã giúp anh gắn bó với nghề nuôi gà thịt hơn 20 năm qua.
|
Quây quần, chăm sóc, theo dõi đàn gà như một niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống của anh Đen
|
Theo anh chọn giống gà cũng là một yếu tố quan trọng, anh chọn giống gà Minh Dư một giống gà địa phương có chất lượng thịt ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Gà của công ty được nuôi khép kín, tiêm phòng đầy đủ, có trọng lượng khá đồng đều, khi xuất bán giá trị cao hơn.
Trước tình hình giá thức ăn công nghiệp tăng cao, để tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Anh Đen đã đầu tư máy chế biến cám viên cho gà. Sau khi đầu tư phương tiện, anh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm để tao ra cám viên có thành phần, tỷ lệ phù hợp đáp úng các tiêu chí cho gà phát triển. Loại cám viên tự chế sẽ tận dụng được nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương như cám, gạo, bắp, đậu đỗ các loại và một số thực phẩm có chất kháng sinh giúp tăng sức đề kháng hạn chế dịch bệnh… Anh Đen cho hay, sau một năm thử nghiệm với loại cám viên tự chế có thể tiết kiệm khoảng 50% chi phí thức ăn so với dùng hoàn toàn cám công nghiệp. Không dừng lại ở đó, mục tiêu hướng tới trong việc nuôi gà của gia đình là thay thế hoàn toàn cám công nghiệp bằng cám tự chế, tạo ra khẩu phẩn ăn đảm bảo giúp đàn gà không phụ thuộc kháng sinh, nâng cao chất lượng thịt gà thương phẩm, an toàn cho người tiêu dùng.
Nhờ hạn chế thức ăn công nghiệp và bổ sung thực phẩm tự nhiên, chất lượng gà thương phẩm của gia trại anh Đen được các thương lái ưa chuộng. Hiện gia trại có khoảng 3.000 con gà các lứa, mỗi năm xuất bán trên 10.000 con gà thịt. Bên cạnh chăn nuôi gà, gia đình anh còn đầu tư vào sản xuất lúa nước và chăn nuôi heo sinh sản theo hướng gia trại, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, từ năm 2021 đến nay, gia đình anh Đen đã đạt lợi nhuận từ 360 triệu đồng đến 500 triệu đồng mỗi năm. Không chỉ tạo ra thu nhập ổn định cho gia đình mà còn góp phần tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức lương ổn định 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng và hướng dẫn cho 15 hộ dân khác biết cách thức làm ăn hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Sơn nhận xét: Ông Nguyễn Văn Đen là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào này phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Phước Sơn. Không chỉ thành công trong sản xuất kinh doanh, ông Đăng và gia đình còn tích cực đóng góp cho phong trào và công tác xã hội địa phương. Là hội viên nhiệt tình, ông Đen tham gia tích cực vào các phong trào xây dựng cảnh quan môi trường và phát triển kinh tế do hội và địa phương phát động. Ông cũng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, giúp nhiều hộ gia đình cùng phát triển kinh tế.
Câu chuyện của anh Nguyễn Văn Đen là minh chứng cho sự nỗ lực và quyết tâm không ngừng. Anh là tấm gương điển hình cho sự ham học hỏi, sáng tạo. Anh Đen đã xây dựng được một mô hình nông nghiệp bền vững, mang lại thu nhập cao và góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.