Với diện tích hơn 12 ha, trước đây, ông Dun chủ yếu trồng cây keo lai và bạch đàn và cây điều. Tuy nhiên, những loại cây trồng trên sau 5 năm mới cho thu hoạch, giá cả bấp bênh, công sức bỏ ra nhiều, thu nhập không cao.
Loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tình cờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Trung tâm khuyến nông tỉnh tổ chức, ông Dun quyết tâm chuyển gần 5 ha trồng cây bạch đàn kém hiệu quả sang trồng đậu đen, bí đỏ. Vừa trồng vừa tìm thị trường tiêu thụ, Không ngờ những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Vụ đầu tiên thu lãi hơn nhiều lần so với trồng bạch đàn. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, ông Dun trồng thêm nhiều loại, như đậu xanh, mỳ cao sản, bắp, bí xanh, cam sành… Bên cạnh đó, ông còn duy trì đàn bò lai hơn 10 con. Ngoài việc bán bò thịt còn giúp gia đình ông Dun có nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng.
Hiện gia đình ông Dun đang sở hữu 2,5 ha điều, 4 ha keo lai, 1 ha bạch đàn, 0,6 ha cam sành, 4,5 ha trồng các loại cây đậu, đỗ. Nhờ đầu tư đúng hướng, mỗi năm gia đình ông Dun có thu nhập trên 650 triệu đồng, trừ hết chi phí còn lãi từ 350 – 400 triệu đồng. Ông còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng.
Bà Đinh Thị Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận cho biết: “Bằng sự nỗ lực trong lao động, sản xuất với mô hình trồng các loại cây ngắn ngày kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Dun đang là giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của hộ gia đình. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã đã học tập mô hình của ông Đinh Dun để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền, ông Đinh Dun được UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.