Chị Nguyễn Thị Lâm cho biết, trước đây đất ở dưới chân núi này rất khô cằn, trồng các loại cây màu khác đều cho năng suất rất thấp, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, được sự vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng của chính quyền địa phương và Hội Nông dân, gia đình chị bắt đầu chuyển sang trồng cây chè xanh. Hiện gia đình chị có 5 ha chè đến thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ chi phí, trung bình hàng năm cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng.
Theo nhiều hộ dân, cây chè rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, dễ chăm sóc và chi phí đầu tư ít. Bằng phương pháp trồng giâm cành, chỉ sau 2-3 năm là có thể thu hoạch. Cây chè mỗi năm cho thu hoạch 7 lứa, mỗi lứa cách nhau từ 30 - 45 ngày. Nếu thời tiết thuận lợi, năng suất chè càng cao, trung bình khoảng 4 - 5 tấn/ha. Hiện nay, giá bán bình quân 4- 5 nghìn đồng/kg, so với các cây trồng khác thì trồng chè cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều.
Đặc biệt, người trồng chè không lo đầu ra, trong những năm gần đây, chè búp rất được ưa chuộng, các thương lái tới tận vườn để thu mua. Bên cạnh đó, các gia đình trồng chè tại xã An Tân cũng đã đầu tư máy cắt chè để vừa thu hoạch cho gia đình vừa kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê máy, người thu hái cũng có thu nhập cao từ tiền công.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tân cho biết: Phát huy lợi thế của địa phương, những năm qua, Hội đã tập trung vận động, tuyên truyền bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các loại cây trồng mũi nhọn là cây chè, cây dừa và bưởi da xanh. Đến nay, An Tân đã trở thành xã trồng chè xanh trọng điểm của huyện An Lão với hơn 20 hộ trồng chè trên diện tích gần 15 ha. Nhờ phát triển cây chè, không chỉ thoát nghèo mà đời sống người dân ở đây được nâng cao, nhiều hộ còn giàu lên một cách chính đáng./.