Có hơn 30 năm gắn bó với nghề mộc, ông Đặng Văn Kích, ở khu phố 9, thị trấn An Lão, vẫn rất cần mẫn với công việc của mình. Theo ông Kích, còn sức khỏe và niềm đam mê thì ông sẽ còn làm để giữ nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Từ đôi tay khéo léo, ông Kích đã đóng nên hàng trăm sản phẩm tủ, ghế, bàn, giường… để bán cho khách hàng khắp nơi trong và ngoài huyện. Đặc biệt, ông luôn ưu tiên lựa chọn đóng các sản phẩm đồ dùng, vật dụng bằng các loại gỗ có giá vừa túi tiền với người dân lao động nông thôn. Ông Kích cho biết, thu nhập từ nghề mộc mỗi ngày trung bình từ 400- 500 nghìn đồng, tuy có cao hơn các nghề khác nhưng đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, có óc sáng tạo thì mới cho ra đời những sản phẩm đẹp mắt.
Còn tại cơ sở sản xuất đồ mộc của anh Nguyễn Văn Phòng ở khu phố Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, được biết anh sinh ra trong gia đình có cha làm nghề mộc nên đã biết cầm đục, cầm búa thành thạo khi đang là học sinh tiểu học. Lớn lên, anh lập nghiệp bằng chính nghề mộc mà cha đã truyền lại. Hiện xưởng mộc của anh Phòng chuyên sản xuất các mặt hàng dân dụng như bàn, ghế, giường, cửa, la phông,... đem lại thu nhập cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài tạo việc làm cho 3 lao động trong gia đình, anh Phòng còn thuê thêm 2 lao động với thu nhập dao động từ 200 – 300 nghìn đồng/người/ngày.
Ngoài xưởng mộc của anh Phòng, ông Kích, hiện có nhiều cơ sở mộc ở địa phương đạt mức thu nhập khá và giàu từ 200 – 400 triệu đồng/năm. Nghề mộc tại An Lão ngày càng ổn định và phát triển. Dù cho cuộc sống hiện đại với các vật dụng gia đình bằng nhôm, hay sắt… thì vẫn có biết bao người dân ưa thích các món đồ gỗ vừa gần gũi với con người, vừa có giá cả phải chăng. Chính vì thế, những người làm nghề mộc như ông Kích, anh Phòng đã góp phần khẳng định sự quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống cha ông, tô điểm cho nét đẹp của người dân lao động, làm phong phú, đa dạng cuộc sống khu vực nông thôn bằng các tác phẩm của mình./.