 |
Hội thảo đầu bờ CĐML ở An Nhơn. |
Cách đây chừng 9 năm (2009) mô hình “Cùng nông dân ra đồng” đầu tiên được thực hiện tại HTX Nhơn Lộc 1 và Nhơn Lộc 2 trong vụ ĐX 2009-2010 trên diện tích 16 ha với nhiều thành phần tham gia. Trong đó, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) là đơn vị xây dựng quy trình canh tác, đưa ra các giải pháp quản lý tổng hợp đồng ruộng; Sở NN-PTNT tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo và triển khai thực hiện; Công ty CP Thực vật An Giang hỗ trợ cán bộ kỹ thuật, thuốc bảo vệ thực vật và giúp bà con nông dân thực hiện mô hình; HTX Nhơn Lộc 1 và HTX Nhơn Lộc 2 giữ vai trò là cầu nối giữa các đơn vị nói trên với 120 xã viên trực tiếp thực hiện mô hình. Theo đó, năng suất của diện tích lúa trong mô hình sạ các giống TBR1, Q5, BC 15 đạt bình quân 80 tạ/ha, cá biệt có vùng đạt 100 tạ/ha.
Ở vụ Đông Xuân năm 2010-2011 Mô hình “Cánh đồng mẫu” cũng đã được triển khai và tiếp tục gặt hái thành công. Đến Vụ Đông Xuân 2012 – 2013, thị xã An Nhơn mở rộng xây dựng 8 mô hình CĐML tại các xã: Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh và phường Nhơn Hưng với tổng diện tích 232ha, 1.709 nông hộ tham gia. Trong đó, 5 mô hình liên kết với các Công ty sản xuất lúa giống kết hợp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và 3 mô hình trình diễn giống lúa lai mới.
Cả 8 mô hình CĐML trên đều đạt năng suất bình quân trên 72 tạ/ha. Riêng 5 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống năng suất đạt từ 72,5 đến 75 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình đối chứng từ 3 đến 5 tạ/ha; lợi nhuận tăng thêm của 3 cánh đồng sản xuất lúa lai cao hơn ruộng ngoài mô hình mỗi héc ta từ 2,8 triệu đến 4,5 triệu đồng; lợi nhuận tăng thêm của 5 mô hình sản xuất lúa giống cao hơn ruộng ngoài mô hình từ 8,5 triệu đến 14,4 triệu đồng mỗi héc ta. Và từ đó đến nay mô hình CĐML ngày càng phát triển nhân ra diện rộng thu hút đông đảo các HTX NN và nông hộ tích cực tham gia. Đặc biệt, là liên kết với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa giống theo chuỗi.
Theo ông Đoàn Tuấn Sĩ, Phó Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, trước đây việc canh tác lúa của nông dân địa phương đều thực hiện theo quán tính, không đồng bộ nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tham gia mô hình CĐML, được ngành chức năng chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại tổng hợp và đồng bộ bảo vệ được môi trường; các chi phí giống, phân bón, vật tư đều giảm, trong khi năng suất, chất lượng lúa và lợi nhuận đều tăng. Hiệu quả mang lại của CĐML khá vượt trội so với cách làm nhỏ lẻ trước đây và tạo hiệu ứng tích cực đối với người dân. Ví như năm 2017 thị xã triển khai 17 CĐML liên kết sản xuất lúa với diện tích 745,9 ha (Vụ Đông Xuân 15 CĐ với diện tích 650 ha, vụ Thu 2 CĐ diện tích gần 96 ha), năng suất vụ Đông Xuân đạt 70,5 tạ/ ha, cao hơn năng suất bình quân chung 1,7 tạ/ ha; vụ Thu năng suất 70 tạ/ ha), được doanh nghiệp thu mua lúa giống tại thời điểm 1 kg lúa giống bằng 1,25 kg lúa thịt, lợi nhuận mang lại cao hơn so với ruộng ngoài mô hình 14,9 triệu đồng/ ha.
Trong quá trình sản các HTX NN và tổ hợp tác là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện CĐML, là đầu mối liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng, cũng trực tiếp là đơn vị cung ứng tất cả các dịch vụ cho nông dân nên ngoài khoản hổ trợ của doanh nghiệp đều không tính lãi suất đối với hộ nông dân tham gia CĐML.
Ông Đoàn Tuấn Sĩ, Phó Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết thêm: Vụ Đông Xuân 2017-2018, TX An Nhơn sẽ triển khai sản xuất 16 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) liên kết với DN sản xuất và tiêu thụ lúa giống theo chuỗi tại các HTXNN 1 và 2 Nhơn Lộc, Tổ hợp tác Đông Lâm, xã Nhơn Lộc, HTXNN 1 và 2 Nhơn Thọ, các HTXNN: Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn An… trên diện tích 700 ha (bình quân hơn 43,7ha/cánh đồng), tăng 2 CĐML và tăng 123,4 ha so vụ Đông Xuân 2016-2017.
Hiện ngành chức năng đang phối hợp với các DN tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất lúa giống cho nông hộ tham gia sản xuất CĐML.